MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương hiệu SABECO là của Singapore?

24-11-2010 - 08:58 AM | Doanh nghiệp

Thương hiệu SABECO đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm bởi một doanh nghiệp nước ngoài, vốn là đối tác "độc quyền bán hàng, phân phối sản phẩm và marketing" của mình.

Một hợp đồng lạ

Ngày 11/12/2009, SATRACO (Công ty TNHH một thành viên Thương mại SABECO - Công ty con của SABECO, được độc quyền bán, marketing, phân phối toàn bộ các sản phẩm do tổng công ty sản xuất) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc (số 01EXC/SATRACO - AP) với đối tác là Công ty Saigon Beer Alcohol Beverage Coporation (ASIA PACIFIC) PTE LTD (viết gọn là SABECO ASIA PACIFIC, trụ sở tại 20 Raffles Place, #14-01A, Ocean Towers, Singapore) để công ty này được độc quyền bán hàng, phân phối và marketing 4 sản phẩm của SABECO tại 20 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

4 sản phẩm của SABECO nằm trong hợp đồng này gồm: bia chai SAIGON LARGER trong chai 450ml, 24 chai/thùng; bia lon 333 EXPORT trong lon 330ml, 24 lon/thùng; bia chai SAIGON EXPORT trong chai 330ml, 24 chai/thùng; bia chai SAIGON SPECIAL trong chai 330ml, 24 chai/thùng).

Khi hợp đồng này có hiệu lực, SABECO ASIA PACIFIC sẽ được độc quyền bán hàng, phân phối và marketing 4 sản phẩm trên tại 20 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, gồm: Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Kazakhstan, Philippines, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Mông Cổ, Hàn Quốc, Nepal, Buhtan, Pakistan và Brunei.

Thương hiệu SABECO (hình bên tay trái) và con dấu của công ty SABECO ASIA PACIFIC tại Singapore (hình phải), đều có chữ S cách điệu hình con rồng và chữ SABECO

Theo điểm 2.3, khoản 2 (chỉ định và thời hạn) của hợp đồng thì hợp đồng này sẽ có hiệu lực trong giai đoạn đầu tiên là 5 năm và 3 tháng trước khi hết hiệu lực của 5 năm đầu tiên.

Nếu SABECO ASIA PACIFIC thực hiện tốt các điều khoản đã thỏa thuận thì SATRACO sẽ ưu tiên cho đối tác ký thêm một hợp đồng thời hạn 5 năm nữa.

Sau khi hợp đồng này được ký kết và có hiệu lực, vào ngày 21/03/2010, SATRACO và SABECO ASIA PACIFIC đã ký kết một hợp đồng xuất khẩu (số 02-2010/SATRACO-AP), theo đó 848.085 thùng bia các loại trên sẽ được SATRACO chuyển cho SABECO ASIA PACIFIC.

Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) ra đời năm 1977, sau khi Công ty Rượu Bia miền Nam chính thức tiếp nhận và quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn từ Hãng BGI và hình thành nên Nhà máy Bia Sài Gòn. Quá trình phát triển của SABECO gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thương hiệu bia Sài Gòn.

Năm 2009, SABECO tiêu thụ 895 triệu lít sản phẩm các loại, đạt tổng doanh thu 14.956 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.542 tỷ đồng.

Thành tích này đã đưa SABECO từ vị trí thứ 33, vươn lên thứ 21 trong danh sách các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới. Hiện nay, SABECO chiếm khoảng 35% thị phần trên thị trường bia Việt Nam.

Hiện sản phẩm của SABECO có mặt ở hầu hết các châu lục.

Trị giá của riêng một hợp đồng xuất khẩu này là 5 triệu USD.

Cái "lạ" của hợp đồng nguyên tắc cũng như hợp đồng xuất khẩu trên không phải là những nguyên tắc bán hàng đơn thuần hay giá trị hàng hóa, mà là thương hiệu của đối tác.

SATRACO Việt Nam giao cho SABECO ASIA PACIFIC (Singapore) làm độc quyền phân phối, tiêu thụ và cả marketing những sản phẩm nổi tiếng của SABECO như bia chai SAIGON LARGER, bia lon 333 EXPORT, bia chai SAIGON EXPORT, bia chai SAIGON SPECIAL ở 20 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Điều đó cũng có nghĩa, với những quốc gia tiêu thụ các sản phẩm bia Sài Gòn qua nhà phân phối độc quyền SABECO ASIA PACIFIC đều có thể nghĩ rằng công ty có trụ sở tại Singapore này chính là chủ sở hữu thương hiệu SABECO!

Và như vậy, một khi SABECO ASIA PACIFIC đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới thì Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn sử thương hiệu SABECO sẽ là... phạm pháp!

Lãnh đạo SABECO giật mình!

Việc SATRACO ký hợp đồng phân phối độc quyền các sản phẩm bia của SABECO với SABECO ASIA PACIFIC vào tháng 12/2009, có thể coi là động tác trao quyền sở hữu thương hiệu SABECO cho một doanh nghiệp có tên SABECO ASIA PACIFIC ở nước ngoài, lãnh đạo SABECO biết không?

Tháng 07/2010, SABECO ASIA PACIFIC gửi thư (gửi ngày 07/07/2010) mời SABECO tham gia Lễ hội bia châu Á 2010 được tổ chức ở Singapore.

Sau khi nhận được thư mời (vào ngày 10/07/2010), ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc của SABECO "tá hỏa" khi nhìn thấy dòng chữ ghi tên đối tác mời là SABECO ASIA PACIFIC và con dấu dùng để giao dịch của công ty này sử dụng chữ cũng như hình ảnh giống gần như y hệt hình ảnh thương hiệu của SABECO.

Con dấu của SABECO ASIA PACIFIC và hình ảnh thương hiệu của SABECO (của Việt Nam) chỉ khác nhau một chút: Chữ SABECO trong hình ảnh thương hiệu của SABECO nằm ở trên, hình con rồng nằm ở dưới.

Còn trong con dấu của SABECO ASIA PACIFIC, hình con rồng nằm ở vòng tròn giữa, chữ SABECO nằm ở nửa vòng tròn trên, nửa vòng tròn bên dưới có dòng chữ: 200920782M.

Ngay sau đó, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh đã chuyển thư có kèm con dấu của SABECO ASIA PACIFIC cho Chủ tịch HĐQT SABECO là ông Nguyễn Bá Thi, đề nghị ông Thi "làm việc với SATRACO để xem xét công ty SABECO AP (Asia Pacific) là thế nào?".

Lúc nhận được thư TGĐ Nguyễn Quang Minh chuyển đến, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Thi cũng "tá hỏa" khi nhìn thấy sự trùng lặp đến khó hiểu này.

Sự việc này sẽ khiến các đối tác mua hàng của SABECO ASIA PACIFIC nghĩ rằng công ty này không chỉ là nhà phân phối đơn thuần mà chính là chủ sở hữu thương hiệu SABECO!

Nhận thấy đây là vụ việc quan trọng liên quan đến thương hiệu SABECO - một thương hiệu quốc gia, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của SABECO và lợi ích của Nhà nước, vì vậy, ngày 02/08/1010, song song với việc yêu cầu các bên liên quan đến việc hợp tác với SABECO ASIA PACIFIC giải trình đầy đủ, Ban Phụ trách Bộ phận Quản lý vốn Nhà nước tại SABECO đã kiểm tra và có công văn gửi Bộ Công Thương để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc.

Năm 2002, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã phải đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu Vinataba khi thương hiệu này bị Công ty Sumatra (trụ sở chính tại Indonesia) đánh cắp tại Lào và Campuchia. Do đã đăng ký thương hiệu, Vinataba chứng minh được quyền sở hữu của mình, được Chính phủ Lào công nhận là DN chủ sở hữu thương hiệu Vinataba.
Công ty Sumatra buộc phải hủy bỏ các sản phẩm mang thương hiệu Vinataba.
Đây là một bài học cho các DN khác bởi gây dựng thương hiệu là không hề dễ dàng. Do đó, "thương hiệu" luôn nằm trong tầm ngắm tranh chấp và cần được bảo vệ chặt chẽ về bản quyền.
Sau bài học này, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc coi việc đăng ký thương hiệu là nhiệm vụ bắt buộc. Nếu đơn vị nào không đăng ký, để xảy ra tranh chấp thương hiệu, giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đối với SABECO, đây có lẽ là vấn đề đáng ra phải thuộc 'nằm lòng", song, thực tế lãnh đạo SABECO vẫn để xảy ra sự việc đáng tiếc này.
 
Theo Cẩm Quyên
Vef.vn
 

duchai

Trở lên trên