MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản: Bán cá hay bán tôm sướng hơn?

21-11-2013 - 14:52 PM | Doanh nghiệp

Thoát thuế chống bán phá giá của DOC, cùng với việc giá tôm trên thế giới tăng mạnh vì nguồn cung giảm sút do dịch bệnh tăng, tôm Việt đang đắc lợi.

Quan sát số liệu báo cáo tài chính của các công ty trong lĩnh vực thủy sản vừa được công bố vừa qua, có thể nhận thấy các “ngư ông”, “tôm ông” đã nỗ lực rất tốt trong quý 3, song có vẻ như vẫn là chưa đủ, số liệu lợi nhuận lũy kế kế 9 tháng đầu năm nhìn chung đều giảm so với cùng kỳ 2012 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và ngành thủy sản còn nhiều khó khăn. Hãy thử điểm qua một vài ông lớn hiện nay:

“Ngư ông” Hùng Vương (HVG).

Doanh thu quý 3 và lũy kế 9 tháng của công ty tăng mạnh, đáng được coi là điểm nhấn trong bức tranh ngành thủy sản còn nhiều vùng tối và vẫn trải qua giai đoạn khó khăn, khi tăng trưởng lần lượt 24% và 36% so với cùng kỳ 2012, đạt con số lần lượt 2.605 tỷ và 7.710 tỷ đồng. Nhưng cũng cần lưu ý, do báo cáo hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty con Việt Thắng (VTF), đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu nói trên còn có trên 2.698 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi của đơn vị này. Mảng chính của HVG là cá tra chỉ có sự tăng trưởng nhẹ, 10%, lên 2.926 tỷ đồng, tức chiếm 50% doanh thu hiện tại của HVG.  

Mặc dù doanh thu tăng mạnh song biên lợi nhuận gộp giảm còn gần 11%. Lợi nhuận ròng của công ty trong quý 3 sụt giảm mạnh 74% từ 96 xuống gần 25 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận ròng đạt 223 tỷ, giảm 20% so với 9 tháng 2012.

Giải trình về nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận, HVG cho biết, do trong quý 3/2013 cơ cấu sở hữu của công ty có nhiều thay đổi so với trước. Ngoài ra, chi phí tài chính ròng tăng mạnh, chi phí bán hàng tăng, và báo cáo cũng không còn ghi nhận khoản lãi từ bán cổ phiếu như trong năm 2012, hơn nữa lợi nhuận từ công ty liên kết liên doanh đều giảm.

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cũng có một bức tranh gần tương tự, khi đã thể hiện sự tăng trưởng mạnh trong quý 3/2013, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm lại giảm so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu quý 3 và lũy kế 9 tháng tăng khoảng 11% và 20% so với cùng kỳ, khi đạt lần lượt 1.293 và 3.711 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng mạnh trên 22% so với quý 3/2012, đạt 65.5 tỷ đồng, nhưng lũy kế 9 tháng lại giảm 14% so với cùng kỳ, đạt 160 tỷ. Hiện tại chưa có giải trình từ phía công ty về nguyên nhân sụt giảm, nhưng quan sát quan sát số liệu báo cáo tài chính công ty công bố, yếu tố chính làm sụt giảm lợi nhuận sau thuế của công ty có thể nhận thấy đó là việc chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng đáng kể.


HVG và VHC có một điểm chung đều là doanh nghiệp đầu ngành về xuất khẩu cá tra. Vừa qua Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) ra thông báo quyết định sơ bộ đợt rà soát lần thứ 9 (POR 9) về thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam. Mức thuế mới đánh vào HVG và VHC lần lượt là 2,15 USD/kg và 0,42 USD/kg, cao một cách bất ngờ và gần gấp đôi so với đợt rà soát thứ 8 (POR 8). Mức thuế đánh vào các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra còn lại dao động từ 0,99 USD/kg đến 2,11 USD/kg.

Theo số liệu thống kê từ các công ty chứng khoán uy tín, thị trường Hoa Kỳ đang chiếm 19% doanh thu của HVG, 49% doanh thu của VHC. Cũng nên lưu ý, HVG hầu như không xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ mà thông qua công ty con AGF (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang). Và theo nhận định của các công ty chứng khoán, AGF có khả năng phải theo mức thuế chống bán phá giá của công ty mẹ HVG. Và vì vậy, mức áp thuế chống phá giá mới cho HVG cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới AGF. Hiện tại, thị trường Hoa Kỳ đang chiếm 45% doanh thu của AGF.

Trái ngược với tin không tốt về con cá tra, cá basa, tôm Việt Nam lại nhận được tin vui đã thoát án thuế chống trợ giá tại Hoa Kỳ.

Vua tôm Minh Phú (MPC) vừa qua có một kết quả kinh doanh “đột biến” khi đạt doanh thu tới trên 3.682 tỷ, tăng 94% so với cùng quý 2012, lãi ròng đạt gần 132 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế 9 tháng đạt 156 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ.


Theo giải trình từ phía công ty, do nguồn cung của các nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới giảm do dịch bệnh EMS nên các đơn hàng đã tập trung vào công ty, làm cho doanh thu của công ty tăng mạnh trong kỳ.

Giá tôm thế giới hiện đang lên cao. Ví dụ chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, giá tôm sú đã tăng thêm 3,2 USD/kg, tôm thẻ tăng thêm tới 4 USD/kg. Nguồn cung thì lại khan hiếm do dịch bệnh EMS đang tác động mạnh vào người nuôi tôm ở Châu Á.

Giá tôm tăng, tôm Việt lại thoát án thuế của DOC, trong khi cá tra, cá basa phải chịu gánh nặng thuế  chống bán phá giá gần gấp đôi so với phán quyết lần 8 và đang trong lao đao đi tìm công lý, thì có lẽ đã đến lúc “tôm ông” đắc lợi.

Hoàng Anh

thinhnh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên