MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản Phương Nam bắt đầu có lãi

21-10-2013 - 09:05 AM | Doanh nghiệp

Sau 4 tháng tái cấu trúc, Phương Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Trước mắt công ty sẽ tập trung vào trả nợ thuế và bảo hiểm xã hội, còn khoản nợ ngân hàng sẽ neo lại đến 2015.

Ngày 18/10 vừa qua, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam) đã tổ chức họp báo công bố kết quả bước đầu trong quá trình tái cơ cấu.

Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Nam cho biết, sau 4 tháng đi vào tái cơ cấu, hoạt động của công ty đã có những dấu hiệu tích cực.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2013 đạt 1,1 triệu USD (lợi nhuận chưa tính khấu hao gần 48,4 tỷ đồng); tháng 8/2013 đạt 3,1 triệu USD (lợi nhuận chưa khấu hao ước 6,6 tỷ đồng); tháng 9/2013 đạt 3,3 triệu USD (lợi nhuận chưa tính khấu hao khoảng 4,9 tỷ đồng). Lũy kế kim ngạch xuất khẩu đến 30/9 đạt 10,1 triệu USD, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 18 triệu USD, tăng gần 100% so với 2012. Nhiều khách hàng truyền thống từ Mỹ, Nhật, EU đã quay lại với công ty, đến nay các đơn hàng đã vượt công suất chế biến của nhà máy bởi Phương Nam đang thiếu các lao động có tay nghề.

Bên cạnh đó, lương của tất cả các lao động tại công ty đã tăng thêm 20% lên gần bằng mặt bằng chung của các nhà máy thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tổng số lao động đã tăng lên mức 1.070 người, từ mức 509 người tại thời điểm tháng 6/2013 và tiếp tục tuyển dụng thêm 200 lao động nữa từ nay đến cuối năm.

Nếu lấy mốc ngày 7/6/2013 – thời điểm Phương Nam được cấp mới giấy đăng ký kinh doanh, công ty không còn đủ nguồn lực về mọi mặt và nếu không có Đề án tái cấu trúc, công ty đã phá sản, việc thu hồi nợ của các ngân hàng cũng gần như vô vọng thì đến nay những kết quả trên quả là tín hiệu vô cùng tích cực.

Sau 4 tháng tái cơ cấu, công ty Phương Nam đã bắt đầu có lãi (ảnh: N.H)

Tại buổi họp báo, ông Trí cũng cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến tình hình nợ nần của công ty. Theo đó, Công ty Phương Nam có số nợ hơn 1.500 tỷ đồng tại 7 ngân hàng là Vietcombank, Agribank, LienVietPostBank, Sacombank, ABBank, Vietinbank, VDB. Trước khi xảy ra rủi ro, một số ngân hàng đã kịp rút vốn lưu động như Vietcombank, Eximbank. Agribank cũng rút vốn nhưng sau đó có bơm vào để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tại thời điểm tháng 6/2013, các bên liên quan đã ngồi lại với nhau và thống nhất Đề án tái cấu trúc công ty, trong đó có 2 ngân hàng tham gia góp vốn đó là LienVietPostBank và ABBank. LienVietPostBank (nắm 62,43% vốn điều lệ) thông qua bán nợ cho công ty CP Dịch vụ Đất việt và đề cử ông Nguyễn Minh Trí, Nguyên PTGĐ của LienVietPostBank làm chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ còn ABBank với tỷ lệ 34,17% thông qua bán nợ cho ông Trần Văn Trí tham gia trực tiếp, phần còn lại của cổ đông cũ Huỳnh Phúc Quế, cổ đông cũ, với tỷ lệ 3%.

Cho đến nay, công ty đã hoạt động bình thường trở lại với những kết quả khả quan, tuy nhiên tình hình trả nợ của Phương Nam vẫn còn nhiều lo ngại.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, hiện công ty đã bắt đầu có lợi nhuận tuy nhiên còn không cao và trước mắt chỉ tập trung vào trả nợ cũ cho thuế, bảo hiểm xã hội, nhà cung cấp, khoảng 18 tỷ đồng. 

Ông Trí dự tính, nếu kinh doanh năm nay tốt thì khoản lãi sẽ đạt 10 tỷ đồng nên công ty chưa đủ để trả hết các khoản nợ này. Hiện công ty đã xin được cơ quan thuế cho trả nợ phân kỳ, từ nay đến cuối năm trả mỗi tháng 1,3 tỷ đồng cho cơ quan thuế, nguồn lấy từ tạm ứng lợi nhuận. Phần nợ cũ ở bảo hiểm xã hội cũng đã xin được cơ chế trả nợ phân kỳ.

Còn với khoản nợ nhà cung cấp, ông Trí cho biết công ty không có nợ nguyên liệu trực tiếp từ nông dân do công ty thu mua nguyên liệu thông qua các công ty, đại lý và cũng đã thương lượng để trả nợ dần.

Với kịch bản công ty phục hồi tốt hơn, lợi nhuận cao hơn thì khoảng nợ 1.500 tỷ đồng (trong đó có 1.200 tỷ đồng nợ được khoanh, giãn, cơ cấu lại, còn 300 tỷ đồng rơi vào bất động sản) sẽ được công ty tính toán chia ra trả nợ dần trong vòng 30 năm.

Dù ở kịch bản nào đi chăng nữa thì công ty Phương Nam dự kiến cũng sẽ chưa trả nợ các ngân hàng trước năm 2015. Thậm chí, theo ông Trí, các ngân hàng còn phải tiếp tục hỗ trợ thêm cho Phương Nam để duy trì cơ hội có thể thu được nợ từ công ty này.

Tuy nhiên, theo ông Trí, nếu các ngân hàng đang mắc nợ tại Phương Nam tìm kiếm được nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thủy sản để bán nợ thì tình hình tái cấu trúc công ty sẽ diễn ra nhanh hơn với kết quả lạc quan hơn.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên