MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tôi biết doanh nghiệp phải phí lót tay, chi ngoài... rất cao"

07-03-2016 - 07:21 AM | Doanh nghiệp

TS. Lê Đăng Doanh thẳng thắn bày tỏ quan điểm với chúng tôi xoay quanh chuyện chi phí lót tay, khoản chi ngoài mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tránh bị làm phiền, "khó dễ"...

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm số DN giải thể phá sản vẫn tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2015 với gần 2.200 DN, trong đó phần lớn là DN quy mô nhỏ. Ông có bất ngờ về con số này?

Số DN giải thể, phá sản tuy đã giảm nhưng vẫn cao, đặc biệt lại rơi vào số DN quy mô nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng) là thách thức lớn, buộc chúng ta phải nhìn thẳng, liệu môi trường kinh doanh đã thật sự bình đẳng, minh bạch như báo cáo của các bộ, ngành?

Gần đây theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thu thuế ở Việt Nam quá lớn, khi DN “làm 10 đồng, phải nộp thuế 4 đồng” cũng là thực tế cần nhìn nhận. Dù Bộ Tài chính ngay sau đó đã đưa ra lý giải nhưng những con số đưa ra tôi cho rằng chỉ là “phần nổi”, số thu vào ngân sách. Thực tế, tôi biết DN phải trả khoản chi ngoài rất cao chứ không hề nhỏ…

Nhưng có một thực tế là DN Việt đang rơi vào xu hướng cá thể hóa, li ti hóa. Điều này có đáng lo ngại, thưa ông?

Để cạnh tranh thì phải hợp tác, liên kết với nhau, với DN nước ngoài. “Cửa” cho DN nước ngoài nên mở 30%, 40% thậm chí là 49% chứ không phải chỉ 10-20% như trước đây. Có như thế DN Việt Nam mới đổi mới được quản trị, từ bỏ kinh doanh bằng mối quan hệ, thay vào đó kinh doanh dựa vào nền tảng khoa học công nghệ mới…

Phải chăng chi phí giao dịch, lót tay, thuế, phí… quá “khủng” khiến DN “làm mãi không đủ chi”, muốn tồn tại thì phải kinh doanh bằng mối quan hệ như ông đề cập?

Đây cũng chính là thực tế được đề cập tới nhiều. Thực tế này đặt chúng ta trong bối cảnh phải thay đổi từ cá thể nhỏ nhất là cán bộ Nhà nước, cho tới thể chế, bộ máy Nhà nước…

Việt Nam đang tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, như FTA với EU, rồi 2 năm tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Điều gì khiến ông lo lắng nhất khi các FTA này “mở” ra, thưa ông?

Tôi lấy một ví dụ đơn giản thế này. Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu giảm thời gian thông quan qua cảng từ 16 ngày xuống còn 10 ngày, nhưng khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì yêu cầu giảm thời gian này xuống chỉ còn 48 giờ.

Áp lực giảm thời gian thông quan từ 10 ngày xuống còn 48 giờ có lớn không? Quá lớn.

Thực tế này đòi hỏi và buộc chúng ta buộc phải thay đổi, từ mỗi cá nhân, mỗi cán bộ cho tới cả bộ máy chính trị cũng phải “vận động”, đổi mới.

Cải cách hiện giờ cũng đã được chúng ta đưa vào cam kết rõ ràng và phải công khai minh bạch, đấu thầu bình đẳng. Đây là thách thức nhưng là sức ép lành mạnh. Nếu không làm, không thay đổi thì sẽ không nắm được cái lợi lớn mà dường như chúng ta đã nắm trong tay. Tôi muốn nhắc lại, hội nhập, tham gia các FTA, Việt Nam phải chấp nhận có thắng – thua, tự vươn lên để đổi mới.

Đổi mới, buộc phải đổi mới. Dường như chúng ta đã – đang không còn sự lựa chọn nào khác khi các FTA “ập” tới. Nhưng bằng cách nào, như thế nào, thưa ông?

Nếu hỏi Việt Nam phải đổi mới như thế nào, công nghiệp hóa (CNH) ra sao thì tôi khẳng định, CNH đang bước sang giai đoạn mới. Chúng ta đang sống giữa sự cạnh tranh gay gắt mà lại muốn sống bình yên, ổn định, còn hơn giàu mà bon chen thì ước mơ đó nên từ bỏ sớm.

Đối mặt với bẫy tự do hoá thương mại, Việt Nam phải tìm ra sản phẩm có thế mạnh hơn các nước khác, bắt đầu bằng sản phẩm, thị trường ngách. Đơn cử, lâu nay mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện thoại di động. Nhưng mặt hàng này mới chỉ dừng lại ở mức độ gia công. Để tăng hàm lượng giá trị gia tăng thì buộc chúng ta phải phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển sản phẩm chủ lực.

Theo Nguyễn Hoài (thực hiện)

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên