MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng công ty Cảng Hàng không sẽ bán 20% cho NĐT chiến lược và IPO 5%?

11-04-2015 - 09:36 AM | Doanh nghiệp

“Đây là phương án xây dựng chứ chưa phải quyết định cuối cùng vì Bộ GTVT còn trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4 này và theo tính toán, trong quý III có thể thực hiện IPO ACV.” – ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ GTVT)

Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Nam, miền Trung, hiện nay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông với vốn vốn điều lệ của công ty mẹ gần 14.700 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2013).

Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp được Bộ GTVT thông qua, thực tế vốn Nhà nước tại ACV là 20.769 tỷ, tổng tài sản gần 38.000 tỷ đồng.

Chia sẻ tại buổi Hội thảo Thị trường chứng khoán 2015 – Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tổ chức ngày 10/04, ông Vũ Anh Minh  - Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, theo phương án cổ phần hóa ACV, trước mắt Nhà nước sẽ nắm giữ 75%, sau đó lộ trình có thể giảm dần xuống 65%.

“Đây là phương án xây dựng chứ chưa phải quyết định cuối cùng vì Bộ GTVT còn trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4 này và theo tính toán, trong quý III có thể thực hiện IPO ACV.” – ông Minh nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp của Bộ GTVT cũng cho biết, đề án cổ phần hóa ACV đang xây dựng theo hướng bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 20% và 5% sẽ IPO.

ACV hiện đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, trong đó có 6 cảng hàng không quốc tế có lưu lượng hành khách, hàng hóa lớn nhất nước hiện nay là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Cần Thơ và 14 Cảng hàng không địa phương: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Vinh, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân.

Đối với chủ trương bán các cảng Hàng không, sân bay, cảng biển  cho tư nhân trong nước, nước ngoài, ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh, đây là nghiên cứu của Bộ GTVT theo hướng chuyển nhượng quyền khai thác tại một số cảng hàng không sân bay và đang báo cáo TTCP để thực hiện thí điểm.

“Dù sở hữu thuộc ai hay quyền khai thác thuộc ai thì vai trò quản lý của Nhà nước không thay đổi. Kể cả trong trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác kèm theo tài sản thì đó cũng là kết cấu hạ tầng trên đất chứ không bao gồm đất.” – ông Minh nói.

Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do Cảng vụ Hàng không nắm giữ chứ không phải là do Doanh nghiệp cảng, xây dựng cảng và khai thác cảng nắm giữ. Vì vậy doanh nghiệp không chuyển đổi mục đích sử dụng đất được.

“Bên cạnh đó, tất cả các nhiệm vụ của nhà nước thì không chuyển giao, chúng ta chỉ chuyển giao quyền khai thác trên đó chứ không chuyển giao các nhiệm vụ quản lý nhà nước.”

Ông Minh cũng khẳng định, Bộ GTVT thí điểm chuyển từ hình thức chỉ có ACV quản lý khai thác sang hình thức có thể có các nhiều nhà khai thác khác nhau để tạo nên sự cạnh tranh, “cạnh tranh trong sự độc quyền tự nhiên”. Như vậy, có thể đa dạng hóa các dịch  vụ cung cấp để cung cấp cho xã hội những dịch vụ tốt nhất.

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên