MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc Viettel Global nói về chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” (phần 2)

18-01-2015 - 17:10 PM | Doanh nghiệp

Mục tiêu của Viettel là đưa thương hiệu Việt Nam ra khắp thế giới. Chúng tôi phấn đấu mở rộng thị trường với vùng phủ dân số ở nước ngoài tới 300 – 400 triệu dân và trở thành 1 trong 10 công ty viễn thông đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.

Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, ông Tào Đức Thắng – Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) khẳng định: Mục tiêu của Viettel là đưa thương hiệu Việt Nam ra khắp thế giới.

Viettel Global phấn đấu mở rộng thị trường với vùng phủ dân số ở nước ngoài tới 300 – 400 triệu dân và trở thành 1 trong 10 công ty viễn thông đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.

Theo ông thách thức ở thị trường mới này đối với Viettel là gì?

Khó khăn đầu tiên mà bất cứ nhà đầu tư nào gặp phải khi đi ra nước ngoài chính là sự khác biệt về pháp luật, văn hóa và chế độ chính trị. Gần như đối với mỗi một thị trường mới, chúng tôi lại phải nghiên cứu tìm hiểu và có bước đi phù hợp, có những kinh nghiệm có thể thành công ở thị trường này nhưng có thể là thất bại ở thị trường khác.

Ở những nước này, việc xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới cũng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa lý cách trở dẫn đến việc vận chuyển thiết bị mất nhiều thời gian và công sức.

Tuy nhiên, Viettel nhìn thấy thuận lợi từ khó khăn. Ở những thị trường mà ai cũng ngại khó và ngại xa thì đấy chính là đại dương xanh vì ít người quan tâm.

Trong tổng số khoảng 30 nhà đầu tư viễn thông quốc tế, Viettel là là non trẻ nhất.

Tuy nhiên, do trưởng thành ở một thị trường đang phát triển và cạnh tranh như tại Việt Nam nên Viettel có nhiều kinh nghiệm để kinh doanh ở những thị trường khó khăn, hiểu và chia sẻ những điều mà các quốc gia đang phát triển trăn trở.

Điểm mạnh của chúng tôi ở những thị trường này chính là tính linh hoạt và sự sáng tạo. Nhờ tính linh hoạt rất đặc thù của người Việt Nam, Viettel quyết định rất nhanh, phản ứng rất nhanh trước các yêu cầu, các thay đổi. Với khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt của người Việt, Viettel ở Cam-pu-chia khác Viettel ở Lào, khác Viettel ở Mô-dăm-bích, khác Viettel ở Pê-ru... Viettel luôn có cách biến mình phù hợp với môi trường để tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tìm sự khác biệt. Viettel có triết lý khác hẳn. Các công ty quốc tế thường chỉ đầu tư ngắn hạn ở thị trường nước ngoài, chỉ đầu tư vào thành phố, giá cước cao, thu lợi nhuận mới đầu tư tiếp.

Còn Viettel thì đầu tư dài hạn, đầu tư trước rồi mới kinh doanh, đầu tư rộng khắp lãnh thổ, cả ở vùng sâu, vùng xa, giá thấp hơn, phổ cập dịch vụ cho mọi người dân, hỗ trợ ngành giáo dục dùng internet miễn phí, hỗ trợ chính phủ, công an, quân đội... Những điều ấy đã tạo ra niềm tin.

Và còn nữa, trong ngành viễn thông, muốn cạnh tranh được thì phải có hạ tầng tốt hơn, băng thông rộng hơn đối thủ lớn nhất. Chúng tôi đã làm được điều đó.

Viettel đẩy mạnh đầu tư ra ngoài vậy việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các thị trường mới này như thế nào?

Tại mỗi nước đầu tư, chúng tôi sẽ triển khai chiến lược đầu tư để trở thành nhà cung cấp lớn nhất cả về hạ tầng mạng lưới và thuê bao, doanh thu trước khi thị trường bão hoà. Quan điểm của chúng tôi là bất kỳ khách hàng nào, từ thành thị đến nông thôn, đều được hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất, băng thông rộng nhất.

Chúng tôi coi viễn thông là hàng hoá thông thường chứ không phải là dịch vụ sang trọng. Sự phát triển của một đất nước phần nào phụ thuộc vào viễn thông, chứ không phải viễn thông chỉ có thể bùng nổ khi GDP đạt một mức nhất định.

Đây cũng chính là cái mà chính phủ cũng như người dân tại các nước đang rất cần và mong muốn có được từ nhà đầu tư nước ngoài.

Do vậy, Viettel coi đàm phán đầu tư là sự chia sẻ kinh nghiệm để đem tới sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi công ty, khi đầu tư vào mỗi thị trường, chúng tôi chấp nhận hy sinh thương hiệu Viettel và xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với tinh thần thương hiệu này là của nhân dân nước sở tại. Các sản phẩm, dịch vụ, chiến lược kinh doanh của chúng tôi đều lấy người dân và lợi ích của họ làm tâm điểm để cân bằng với mục tiêu của doanh nghiệp.

Với quan điểm mạng lưới tại mỗi thị trường chúng tôi đầu tư là của người dân bản địa, chúng tôi luôn đề cao hàng đầu việc đào tạo và chuyển giao công nghệ, cách làm cho nhân viên sở tại để họ có thể điều hành và phát triển công ty bền vững sau khi kết thúc giai đoạn xây dựng ban đầu.

Thời gian đầu triển khai, chúng tôi lập các đội “mở đường” bao gồm những chuyên viên, kỹ sư tốt nhất trong các lĩnh kỹ thuật, kinh doanh sang xây dựng công ty. Nhiệm vụ chính của những đội “mở đường” là vừa thiết lập, điều hành hoạt động của công ty, vừa tổ chức đào tạo kỹ năng chuyên môn và năng lực quản lý cho nhân viên sở tại.

Đến khi công ty đi vào kinh doanh ổn định, đội quân “mở đường” sẽ rút về Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao chuyên môn và quản lý cho nhân viên sở tại ngay tại Việt Nam.

Hiện tại, hơn 70% vị trí giám đốc trung tâm kinh doanh của các công ty của Viettel tại thị trường nước ngoài do người sở tại đảm nhiệm.

Vậy mục tiêu sắp tới của Viettel sẽ là những nước nào, thưa ông?

Hiện tại chúng tôi đang theo đuổi để được cấp giấy phép viễn thông tại các nước ở khu vực Châu phi, Châu Mỹ và Châu Âu.

Xin cảm ơn ông. Chúc Viettel sẽ luôn thành công ở những thị trường đã và sẽ đến!

Tổng giám đốc Viettel Global nói về chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” (Phần 1)

Khánh Nhi (thực hiện)

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên