MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp trong nhập khẩu nguyên phụ liệu

10-06-2014 - 07:56 AM | Doanh nghiệp

Trong thời gian tới, các ngân hàng trên địa bàn cần tập trung gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành như gỗ, lương thực thực phẩm, dệt may...

Chiều 9-6, tại cuộc họp với một số sở, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Công Thương TP.HCM đã kiến nghị một số giải pháp, trong đó, đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đa phương hoá, đa dạng hoá bạn hàng theo tinh thần cam kết WTO.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với các đối tác ở các nước mà Việt Nam có tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do, hoặc hiệp định TPP sẽ ký kết trong thời gian tới để tận dụng thuế suất ưu đãi trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, mỗi đơn vị cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp mà tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn ở một thị trường cụ thể.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng kiến nghị cần xây dựng chương trình xúc tiến thương mại cụ thể theo từng ngành hàng và thị trường, trong đó ưu tiên xúc tiến nhập khẩu ở các thị trường có tham gia hiệp định thương mại tự do; kết nối được cung cầu đối với ngành nguyên phụ liệu đã sản xuất được trong nước; hỗ trợ ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất ngành nguyên phụ liệu dệt may, da giày để hỗ trợ giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh…; cần triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ và có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; kiến nghị Chính phủ các giải pháp cụ thể về chính sách thuế đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng xuất khẩu.

Tại cuộc họp, đại diện các hội ngành hàng trên địa bàn thành phố cho rằng, việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh là việc cần thiết. Đây là cơ hội để các ngành hàng, mỗi doanh nghiệp tái cơ cấu lại, không phụ thuộc vào các thị trường lớn cũng như một đối tác nào. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng cần sự hỗ trợ lớn từ nhà nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng trong vấn đề cung ứng vốn với lãi suất hợp lý.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp. Việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng thành phố đã triển khai từ năm 2013, trong 5 tháng đầu năm 2014, thành phố đã kết nối 10.000 tỷ đồng đến các doanh nghiệp, trong đó có 5.000 tỷ đổi mới thiết bị công nghệ.

Trong thời gian tới, các ngân hàng trên địa bàn cần tập trung gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành như gỗ, lương thực thực phẩm, dệt may…, thông qua đó Hiệp hội có thể đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, sản xuất kinh doanh, trong đó có chiến lược tìm kiếm thị trường, mở rộng bạn hàng./.

>> Có thể có quy định cởi mở hơn về nguồn gốc nguyên phụ liệu khi tham gia TPP?

Theo Xuân Đăng

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên