MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP “dẫn lối” 14 doanh nghiệp Chile đến Việt Nam

30-10-2015 - 17:33 PM | Doanh nghiệp

Từ nay đến ngày 31/10/2015 sẽ diễn ra các hoạt động của Đoàn doanh nghiệp Chile tại Việt Nam do Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại Chile tại Việt Nam (ProChile Vietnam) và Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cùng tổ chức.

Một trong những hoạt động nổi bật trong dịp đoàn doanh nghiệp Chile đến Việt Nam lần này là Hội thảo với chủ đề “Gỗ Chile: Chất lượng, sáng tạo và bền vững cho ngành công nghiệp xây dựng và chế biến gỗ của Việt Nam”.

Hội thảo thu hút sự tham dự của 14 doanh nghiệp Chile, 40 doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tại Việt Nam và các doanh nhân khách mời đến từ Indonesia, Malaysia và Singapore. Ngay sau hội thảo này, các đối tác sẽ gặp gỡ trực tiếp với nhau để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Thông tin từ hội thảo cho thấy, tại Chile, ngành lâm nghiệp được xem là một trong những lĩnh vực nổi trội trong chiến lược phát triển bền vững về môi trường và kinh tế xã hội, đóng góp khoảng 3% GDP. Cả nước có 122 ngàn lao động trực tiếp và gần 180 ngàn lao động gián tiếp trong ngành. Quốc gia này được đánh giá giàu kinh nghiệm trong kinh tế rừng, đặc biệt đối với giống thông Radiata và bạch đàn do có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển nhanh.

Năm 2014, Chile xuất khẩu gần 3,1 tỷ USD giá trị lâm sản ra thị trường nước ngoài (chưa tính bột giấy và bột gỗ). Con số này tương đương 9% tăng trưởng so với năm 2013, chỉ với 2,8 tỷ USD. Các sản phẩm chính của ngành lâm nghiệp Chile gồm: bột giấy, ván ép, gỗ xẻ, dăm gỗ, molding, giấy báo… với giá rất cạnh tranh trên thị trường thế giới (thấp hơn khoảng từ 10 -15% so với thị trường nhập khẩu gỗ truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam là New Zealand). Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan.

Được biết, những năm trước đây, các doanh nghiệp Chile cung cấp phần lớn các loại gỗ cho “công xưởng thế giới” là Trung Quốc, tuy nhiên, gần đây lượng cầu tại Trung Quốc giảm thấp do ảnh hưởng chi phí nhân công tăng cao. Mặt khác, Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán (Chile và Việt Nam đều là thành viên của TPP) đã thúc đẩy các doanh nghiệp Chile sớm tìm đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác qua đó nhanh chóng tận dụng cơ hội khi TPP chính thức có hiệu lực.

Tại khu vực ASEAN trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Chile đang tăng trưởng rất tốt tại Thái Lan (59%), Malaysia (47%) và Việt Nam (32%).

Ngoài các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến việc sản xuất gỗ nguyên liệu, ngành lâm nghiệp Chile còn có hơn 200 doanh nghiệp thứ cấp khác, chuyên phụ trách lĩnh vực xuất khẩu.

Ngành lâm nghiệp Chile còn cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ, từ bột giấy cho đến đồ nội thất, ngoại thất. Ngoài ra, còn phải kể đến các sản phẩm của công nghiệp trồng rừng mà không phải là gỗ như: trái cây, nấm, dầu thực vật…

Chile hiện có 17,3 triệu ha đất trồng rừng, tương đương 22,9% diện tích lãnh thổ quốc gia. Trong số đó, 81,4% là rừng nguyên sinh, khoảng 14,2 triệu ha.

Diện tích đất trồng rừng công nghiệp của Chile là 2,9 triệu ha (4% diện tích lãnh thổ), chủ yếu là thông Radiata và bạch đàn. Hiện nay, Chile đạt năng suất khai thác mỗi năm khoảng 40 triệu m3 gỗ, tương đương 98% từ nguồn rừng trồng công nghiệp.

Các sản phẩm lâm sản (không bao gồm bột giấy) này hiện đang có mặt tại thị trường của 120 nước, đứng đầu là Mỹ (743 triệu USD), Nhật (383 triệu USD), và Mexico (288 triệu USD).

Theo Thanh Tân

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên