MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TRI: Tái cấu trúc tài chính giảm nợ, chuyên tâm vào hoạt động phân phối

16-06-2010 - 09:48 AM | Doanh nghiệp

Dự kiến 5 ngày sau ngày Đại hội đồng cổ đông thống nhất phương án sản xuất kinh doanh năm 2010, Cổ phiếu CTCP Nước giải khát Sài Gòn (MCK: TRI) sẽ giao dịch trở lại trên HOSE

Chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE vào ngày 28/12/2001 với giá đóng cửa tại phiên giao dịch đầu là 29.000 đồng. Đến ngày 22/03/2010, HOSE đã quyết định về việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu TRI kể từ ngày 25/03/2010 với lý do công ty đã bị thua lỗ trong 02 năm liên tiếp. Trong đó từ quý IV/2008 đến hết quý I/2010, 6 quý liên tiếp TRI đã có kết quả kinh doanh bị âm. Giá đóng cửa của TRI tại ngày 24/03/2010 là 6.400 đồng/CP.

Nhìn lại 6 quý lỗ liên tiếp của TRI

Quý IV/2008 kết quả kinh doanh hợp nhật của TRI lỗ 146 tỷ đồng dẫn đến kết quả năm 2008 lỗ  145 tỷ đồng. Được biết nguyên nhân lỗ năm 2008 là do dự phòng giảm giá cổ phiếu, lỗ hoạt động liên doanh của TRI 35,9 tỷ đồng từ liên doanh với CTCP Tribeco Bình Dương ; lãi vay cao trong khi đó công ty không thể phát hành cổ phiếu để huy động vốn như kế hoạch. Thêm vào đó, chi phí đầu vào tăng cao do lạm phát; chi phí bán hàng tăng bao gồm chi phí vận chuyển và chi phí quảng cáo cùng khoản trích lập nợ khó đòi góp phần đẩy TRI lỗ nặng trong năm 2008.

Bước sang năm 2009, 4 quý trong năm TRI liên tiếp lỗ, kết quả cả năm lỗ 86 tỷ đồng. Vấn đề vốn, thời điểm giải ngân vốn lúc này là vấn đề quan trọng nhất của TRI. Nợ vay ngân hàng, nợ phải trả cho nhà cung cấp, thiếu vốn trong 6 tháng đầu năm,  các nhà cung cấp gây sức ép đòi nợ và không chịu giao hàng, giá nguyên liệu tăng , cạnh tranh với các đối thủ, xây dựng lại hệ thống Sales và Marketing làm chi phí bán hàng tăng 32% …. , là những nguyên nhân ảnh hướng đến kết quả năm 2009. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, năm 2009 TRI đã có những nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí quản lý chung từ 54 tỷ đồng trong năm 2008 xuống 31 tỷ đồng trong năm 2009; chi phí tài chính giảm từ 51 tỷ đồng xuống 10 tỷ đồng; đồng thời khôi phục lại được kênh phân phối, đội ngủ bán hàng từ trên xuống và giải quyết được các tồn đọng của năm 2008

Đến quý I/2010, TRI lỗ 27,4 tỷ đồng. Theo giải trình trước đó, công ty tiếp tục tập trung mạnh vào việc khôi phục lại kênh phân phối, xây dựng lại hệ thống Sales và Marketing, nghiên cứu định vị sản phẩm. Do đó, công ty tiếp tục lỗ trong quý I/2010 là khó tránh khỏi.  

Rõ ràng tính đến hết 31/03/2010, TRI vẫn hoạt động trong tình trạng khó khăn, bên cạnh áp lực cạnh tranh, TRI còn chịu áp lực về vốn, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn  khi mà chỉ số khả năng thanh toán nhanh 0,07, khả năng thanh toán hiện hành 0,25 và Nợ ngắn hạn chiếm 77,56% tổng tài sản, trong đó nợ ngắn hạn có trả lãi chiếm 56%tổng nợ ngắn hạn; lợi nhuận chưa phân phối âm 250,6 tỷ đồng.



Tái cấu trúc tài chính - Giải pháp duy nhất

Với tình hình hiện tại, TRI không thể huy động thêm vốn , giải pháp duy nhất là tái cơ cấu lại tỷ trọng tài sản và các khoản nợ của TRI.  Trong đó, việc chuyển nhượng một phần hàng tồn kho và thanh lý các khoản đầu tư tài chính là khả thi nhất.

Theo báo cáo của TRI, công ty cần khoảng 172 tỷ đồng để có thể thanh toán các khoản nợ cần thanh toán. Do đó trong năm nay, TRI sẽ chuyển nhượng các khoản đầu tư của mình theo giá trị đầu tư 172,6 tỷ đồng (trong đó có 40 tỷ đồng  - công ty con Tribeco miền Bắc; 117 tỷ đồng – công ty liên kết Tribeco Bình Dương) để trả các khoản cần thanh toán này.  Đồng thời, năm nay sẽ ghi nhận 73 tỷ đồng lợi nhuận do chênh lệch giữa giá trị đầu tư và giá trị còn lại trên sổ sách.

Sau tái cấu trúc, lợi nhuận chưa phân phối âm 177,4 tỷ đồng; nợ phải trả giảm từ 284,2 tỷ đồng xuống 88 tỷ đồng; tỷ trọng nợ chiếm 44,8% tổng tài sản; khả năng thanh toán nhanh tăng mạnh lên 0,48; khả năng thanh toán hiện hành tăng khoảng 3 lần lên 0,74 tạo tiền đề cho việc phát triển trong tương lai.

Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh – chuyên tâm vào phân phối

“Chúng tôi hiểu, nếu năm nay TRI tiếp tục bị lỗ, TRI sẽ bị hũy niêm yết trên HOSE. Tuy nhiên, đó là điều không ai mong muốn.” Ông Nguyễn Xuân Luân, TV. Hộ đồng quản trị chia sẽ.

Trước đây, TRI quản lý vấn đề marketing, hoạt động mua hàng, Logistic, …, tất cả các hoạt động. Các hoạt động gia công thường được chuyển về cho Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc. Do đó, việc phối hợp và tính hiệu quả không cao. 

TRI thực hiện tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. TRI sẽ mua hàng của Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc theo giá cạnh tranh – 2 công ty này gia công cho TRI theo giá cạnh tranh. TRI chuyên tâm vào lĩnh vực bán hàng - phân phối, sẽ cắt bỏ những sản phẩm không mang liệu hiệu quả kinh tế. Chuyển các hoạt động mua hàng, R&D, Logistic, các bộ phận liên quan đến sản xuất về cho Tribeco Bình Dương.  Ngoài kinh doanh các sản phẩm truyền thống của mình, TRI có thể kinh doanh các sản phẩm thương hiệu khác.

Năm 2010, TRI đặt kế hoạch 620,9 tỷ đồng doanh thu, lãi hoạt động 16,57 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế 1,86 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Xuân Luân, cho biết đây là chỉ tiêu rất thận trọng và nằm trong tầm kiểm soát của ban lãnh đạo.

Chỉ tiêu kinh doanh giai đoạn 2010 – 2012:

Chỉ tiêu

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Doanh thu thuần

620,9 tỷ đồng

835,28 tỷ đồng

1.085,86 tỷ đồng

Tổng LNTT

1,86 tỷ đồng

4,1 tỷ đồng

8,03 tỷ đồng


Được biết, chỉ tiêu kinh doanh kế hoạch giai đoạn 2010 – 2012 xây dựng là khá khiêm tốn khi TRI thực hiện kinh doanh những sản phẩm truyền thống, chưa có sản phẩm mới và các sản phẩm của thương hiệu khác. Tuy nhiên, theo tính toán của CafeF, sau khi tái cấu trúc tài chính, TRI sẽ giảm bớt được gánh nặng nợ, giảm sức ép của các khoản nợ đến hạn phải trả, chủ động để phát triển kinh doanh; cùng với việc tái cấu trúc kinh doanh – chuyển hẳn sang phân phối, tận dụng lợi thế về thương hiệu và hệ thống phân phối, giảm áp lực về yếu tố đầu vào, khả năng sẽ phân phối các sản phẩm ngoài hệ thống, sản phẩm mới dự báo con số doanh thu lợi nhuận sẽ cao hơn.

Q. Nguyễn
Theo TRI

quynhnn

Trở lên trên