MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] ĐHCĐ FPT: Qúy 1 ước lãi hơn 600 tỷ, tăng 10%

03-04-2015 - 15:01 PM | Doanh nghiệp

Tại Đại hội lần nay, Hội đồng quản trị công ty trình kế hoạch năm 2015 với mục tiêu 39.600 tỷ đồng doanh thu và 2.850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng trưởng 13% và 16% so với năm 2014.

Ngày 03/04/2015, CTCP FPT (mã: FPT) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, tại Đại hội lần nay, Hội đồng quản trị công ty trình kế hoạch năm 2015 với mục tiêu 39.600 tỷ đồng doanh thu và 2.850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng trưởng 13% và 16% so với năm 2014.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, kế hoạch được lập dựa trên tăng trưởng tự thân (không tính M&A). Tăng trưởng doanh thu Khối Viễn thông trong năm 2015 là 22% nếu loại bỏ doanh thu của mảng trò chơi trực tuyến và khác trong năm 2014 để so sánh tương đương.

Khối Phân phối và Bán lẻ kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng 12% về doanh thu và 19% về lợi nhuận, trong đó, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến chủ yếu đến từ lĩnh vực Bán lẻ với mức tăng lợi nhuận trước thuế gấp gần 3 lần, từ 41 tỷ năm 2014 lên 122 tỷ trong năm 2015.

Phát biểu tại Đại hội, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT của FPT khẳng định "FPT phải tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng!".

>> FPT: Năm 2015 đặt kế hoạch 2.850 tỷ đồng LNTT

Mới đây, HĐQT đã thống nhất phê duyệt quy chế về chương trình phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên có thành tích đóng góp trong năm 2014. Thời gian phát hành: Tháng 4/2015.

Cụ thể, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 1,7 triệu đơn vị. Tính theo giá hiện hành (48.400 đồng/cổ phiếu), khối lượng cổ phiếu nói trên trị giá 82 tỷ đồng. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 3 năm kể từ ngày phát hành,

FPT cho biết đối tượng phát hành cổ phiếu là cán bộ nhân viên có Level 5 trở lên và một số cán bộ đặc biệt có thành tích đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công ty trong năm 2014.

Về cổ tức, HĐQT trình ĐHCĐ thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 tỷ lệ 20% (tức là 1 cổ phiếu nhận 2.000đ), trong đó cổ tức tạm ứng 10% đã chi trong quý 3/2014 và 10% còn lại sẽ chi sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt. Thời gian chi trả dự kiến trong quý 2/2015.

Bên cạnh đó, HĐQT FPT cũng đề xuất trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2015 từ nguồn lợi nhuận để lại cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 20 cổ phần hiện hữu được chia thêm 3 cổ phần mới). Thời gian thực hiện trong quý 2/2015.

Ngoài ra, HĐQT FPT cũng đưa ra đề xuất chi trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000đ), căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 15%.

HĐQT trình ĐHCĐ phê duyệt ông Dan E Khoo chính thức là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2017 tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất.

Trước đó, ngày 04/8/2014, HĐQT FPT cũng đã bổ nhiệm ông Tomokazu Hamaguchi, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ Thông tin Nhật Bản (JISA), nguyên chủ tịch kiêm CEO của NTT DATA Corporation - công ty Dịch vụ CNTT lớn thứ 6 toàn cầu  làm thành viên HĐQT tạm thời từ tháng 10/2014.

Như vậy, từ ngày 1/11/2014, HĐQT FPT có 3/7 thành viên là người nước ngoài, trong đó 2 người là ủy viên độc lập.

------------

Đại hội bước vào phần hỏi đáp:

1. Trong BCTC 2014, biên lợi nhuận 20% nhưng ROE trong vòng 3 năm nay đã giảm rất nhiều từ 25% (2012) xuống còn 20% (2014), có phải hiệu quả sử dụng vốn đã giảm hay không?

Ông Nguyễn Thế Phương – Phó TGĐ: Quả thực hiệu suất sử dụng vốn của FPT đã giảm dần nhưng mức 20% vẫn là mức lợi suất cao, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn những năm gần đây.

Sự suy giảm này liên quan nhiều đến kết quả HĐKD mà công ty đã báo cáo. Doanh thu 2014 tăng 23% nhưng lợi nhuận giảm 2%, ngoài yếu tố khách quan từ nền kinh tế thì có yếu tố chủ quan của HĐQT, đó là mục tiêu tăng trưởng doanh thu trước, tăng trưởng LN sau, hoặc khó khăn từ một số mảng, ví dụ mảng game.

Các đầu tư của chúng tôi về mảng viễn thông, đặc biệt là việc nâng cấp hệ thống cáp sang cáp quang làm lợi nhuận của mảng này năm 2013 không đổi. Đó là sự chủ động của chúng tôi. Đến năm 2016, lợi nhuận sẽ tăng trưởng rất nhanh. Chúng tôi cũng chủ động tăng nhanh doanh thu ở thị trường nước ngoài, việc này khiến cho trong thời gian đầu, tỷ suất LN sẽ không cao. Mảng bán lẻ cũng vậy.

Năm 2015 là năm tăng trưởng, tôi cũng kỳ vọng 20% này là mức đáy.

2. Việc trích quỹ khen thưởng, thù lao cho HĐQT: tại sao không trích từ LNST mà lại trích từ LNTT?

Ông Nguyễn Thế Phương – Phó TGĐ: Trong tờ trình về việc này, có 2 phần rất rõ. Các thành viên HĐQT không nhận thù lao, còn thành viên độc lập thì nhận thù lao nhưng so với đóng góp của họ, tôi cho là nhỏ. Còn về lương trả cho thành viên HĐQT kiêm điều hành, ví dụ ông Bùi Quang Ngọc là thành viên HĐQT kiêm Tổng GĐ thì chỉ nhận lương, không nhận thù lao của HĐQT.

3. Kết quả kinh doanh quý I/2015 ước tính bao nhiêu?

Doanh thu quý 1 đạt 9.500 tỷ - tăng 29% so với cùng kỳ năm 2014, vượt kế hoạch 6%. Lợi nhuận hơn 600  tỷ - tăng khoảng 10%. Tăng trưởng của FPT không nhiều do chi phí đầu tư hạ tầng cáp quang tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.

4. Dự án Hòa Lạc từ lâu kết quả không tốt. Công ty dự tính như thế nào? Dự án FPT city Đà Nẵng ra sao?

Ông Đỗ Cao Bảo – thành viên HĐQT: FPT đã xây nhiều ký túc xá, giảng đường và là trường học có cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện có nhiều khu vực chưa thể giải phóng mặt bằng nên chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên đây không phải là khu vực cốt lõi của FPT và không sử dụng với mục đích chính là kinh doanh. Mục tiêu chính là xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động Đại học FPT và Fsoft.

DA FPT city Đà Nẵng dùng chính tiền của khách hàng để xây dựng, khách hàng nộp tiền bao nhiêu % thì chúng tôi xây dựng đến tiến độ đó, nên không thể lỗ được.

5. FPT thoái bớt vốn tại FPT Trading & FPT Retail khi đang có mức tăng trưởng tốt liệu có phải quyết định hợp lý?

Ông Đỗ Cao Bảo: Mặc dù mảng Retail có tốc độ tăng trưởng cao nhưng so với trước thì tỷ trọng của mảng này mang lại cho FPT đã giảm. Trong khi đó, nếu xét về lâu dài, mảng Retail sẽ gặp phải sự cạnh tranh đến từ nhiều đối thủ và không đạt được tốc độ tăng trưởng như mảng công nghệ.

Do đó, việc tách riêng hai mảng FPT Retail và FPT Trading là điều cần thiết vì đây là 2 mảng kinh doanh không có sự tương đồng.

Đồng thời, khi mảng Retail đang tăng trưởng tốt cũng là cơ hội mang lại cho FPT mức giá bán hợp lý.

Xu hướng trên thế giới là để 2 mảng này độc lập.

6. Red River Holding làm gì với FPT và có phương án nào với giá cổ phiếu hay không?

Đại diện Red River Holding: 2 năm qua, chúng tôi họp với ban lãnh đạo hàng tuần, nhận xét hoạt động kinh doanh của công ty. Về giá cổ phiếu thì do thị trường quyết định, chúng tôi chỉ là 1 cổ đông, không thể quyết định giá thị trường.

7. Đánh giá vị thế cổ phiếu FPT trên thị trường? Sắp tới, FPT có đợt bán cổ phiếu ưu đãi nào không?

Ông Thế Phương: Như báo cáo thường niên đã trình bày, giá cổ phiếu FPT tăng trưởng tốt hơn so với VNindex và Vn30-Index. Liên quan đến giá cổ phiếu, làm sao để cải thiện giá cổ phiếu? Mục tiêu số 1 của công ty là tăng trưởng doanh thu lợi nhuận và hy vọng NĐT đánh giá được tiềm năng của công ty để đánh giá giá trị công ty một cách tốt nhất.

Trong ĐHCĐ 2014, cổ đông đã nhất trí phương án phát hành cổ phiếu ESOP trong 3 năm 2014 – 2016. Mỗi năm phát hành 0,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, tạo gắn kết lâu hơn đối với công ty.

8. Các dự án đầu tư công: FPT có lợi thế gì khi cạnh tranh với các công ty khác?

Ông Bình: các dự án mà tôi đã nêu ra (Giao thông thông minh, Bảo hiểm y tế điện tử, Bệnh viện điện tử, Trung tâm dịch vụ hành chính công, Cơ sở dữ liệu dân cư và Điện thông minh) là một cơ hội và FPT là công ty sẵn sàng nhất trong các công ty tham gia. Một là phải có nhiều tiền. Hai là phải có năng lực triển khai rộng và sâu chuyên ngành vì DA phải chạy với tốc độ rất nhanh. Những cái đó đòi hỏi kinh nghiệm rất nhiều. Ba là kinh nghiệm quốc tế. Bài toán mà VN đặt ra cũng là bài toán mà thế giới đã đặt ra và giải rồi. Sự quan hệ của FPT với điện lực của Đức, Nhật và công nghệ Mỹ… Đó là lợi thế.

Vậy các công ty khác không có lợi thế này hay sao? Chúng tôi cũng như Chính Phủ đều mong muốn thành lập 1 nhóm các DN Việt Nam cùng giải quyết vấn đề.

9. Kế hoạch M&A trong năm 2015?

Ông Trương Gia Bình: Việc mua 123mua đem lại cho FPT nguồn doanh thu bổ sung, đồng thời có thêm một loạt công nghệ và nhân sự. Mỗi năm FPT dành 1.000 tỷ cho các vụ M&A. Đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực điện lực và thương mại điện tử ngân hàng (internet banking, mua bán thanh toán qua thẻ ngân hàng... ), những lĩnh vực cốt lõi có mức độ tăng trưởng cao. Chúng tôi vẫn tiếp tục M&A, 1 năm sẽ chào mua khoảng 1 – 2 vụ, chủ yếu mua những công ty có main sẵn, mua luôn và phát triển.

10. Thời gian qua công ty đã thu hút một số cá nhân nước ngoài giỏi và uy tín tham gia quản trị công ty. Vậy FPT có kế hoạch thu hút các công ty lớn của thế giới để thành cổ đông của công ty?

Hiện nay chính ông Hamaguchi đang giới thiệu các tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Nhật bản để trở thành NĐT của FPT

11. Năm 2015 có điểm gì khác biệt với 2014 và 3 năm trước đây để tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận như kế hoạch?

Chúng tôi dành gần như 6 tháng để làm chiến lược và kế hoạch kỹ chưa từng có. Tập đoàn đã tuyên bố đồng cam cộng khổ gắn bó suốt đời nhưng giai đoạn này nói luôn, ai không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 3 kỳ liên tiếp thì sẽ mời nghỉ việc. Chưa bao giờ chúng tôi quyết liệt như bây giờ.

Đại hội đã kết thúc với kết quả bỏ phiếu thông qua tất cả các tờ trình của HĐQT.

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên