MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ts. Lê Xuân Nghĩa: Buôn lậu, gian lận thương mại là rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp

26-01-2015 - 14:18 PM | Doanh nghiệp

Khi chúng ta áp dụng các hiệp định thương mại tự do đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam gần như “trần truồng trước bão tố”. Và các doanh nghiệp Việt sẽ sống ra sao khi phải cạnh tranh trong tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, mãi lộ phí?.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
75 bài viết

Buôn lậu, gian lận thương mại - Rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới

Năm 2015 sẽ là mốc thời gian quan trọng đối với Việt Nam khi phải hoàn thành nhiều lộ trình cam kết cắt giảm các hàng rào thuế quan, phi thuế quan, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, tới đây nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn, có thể dẫn tới phá sản ở các doanh nghiệp.

Bởi vậy, tại hội thảo “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2015: Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt” do Thời Báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung Ương tổ chức ngày 22/01/2015, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa xác định rằng, rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn tới đây ở thị trường nội địa: Buôn lậu và gian lận thương mại.

Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, khi chúng ta áp dụng các hiệp định thương mại tự do đồng nghĩa hàng rào thuế quan giảm xuống, quyền tiếp cận thương mại được hoàn toàn tự do. Lúc bấy giờ, các doanh nghiệp Việt Nam gần như “trần truồng trước bão tố”. Doanh nghiệp phải cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng, không có hàng rào kỹ thuật nào bảo vệ. Với hiện trạng đó cùng  với tình trạng buôn gian bán lậu, gian lận thương mại tràn ngập từ phía Bắc (Trung Quốc), từ Tây Nam (Thái Lan,….) các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ sống thế nào, đó là chưa tính đến mãi lộ phí.

Như vậy, “các doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh trong tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, mãi lộ phí” – Ts. Lê Xuân Nghĩa. Do đó, Ts. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây là lý do mà Thủ tướng giao trọng tâm của năm 2015 là cải cách thủ tục hành chính, chống buôn lậu, và gian lận thương mại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thực hiện chống buôn lậu, và gian lận thương mại là không đơn giản. Bởi vậy, đây là rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Cần có những bước chuyển biến thực sự hỗ trợ SMES

Ts. Lê Xuân Nghĩa đánh giá năm 2015 kinh tế Việt Nam thực sự có những dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn phục hồi trên nền tảng cũ: nền kinh tế dựa vào lao động rẻ và bán tài nguyên thô. Vì vậy Ts. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu nền kinh tế phục hồi trên nền tảng cũ, chu kỳ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới đây sẽ là tăng trưởng vét – vét cái cuối cùng của tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ.

Do đó, Ts. Lê Xuân Nghĩa dự báo, nếu sắp tới đây chúng ta không cải cách công nghệ, không phát triển công nghiệp phụ trợ, không có những bước chuyển biến thực sự hỗ trợ SMES đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đi thẳng vào công nghệ, đi thẳng vào lĩnh vực có sức cạnh tranh mạnh hơn thì đà tăng trưởng dựa vào lao động rẻ và bán tài nguyên thô dần sẽ hết.

Chính phủ đang nỗ lực để ra nghị định mới về phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghệ cao, thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ts. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, cải cách thể chế là tiền đề của tất cả. Việt Nam là quốc gia mở cửa nhanh, mở cửa khá toàn diện vì vậy chúng ta đứng trước khó khăn là cải cách thể chế không theo kịp tiến trình mở. Đây gọi là rủi ro chiến lược của Việt Nam ít nhất là trong trung hạn. Chúng ta không cải cách thể chế không kịp với tiến trình mở cửa và tự do hóa gây ra sức ép khổng lồ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên