MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao 70% DN chủ động đưa hối lộ?

23-09-2013 - 10:48 AM | Doanh nghiệp

Chính sách chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm đúng.

Một khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ cho thấy 2/3 doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho biết họ chủ động đưa các khoản tiền lót tay, hối lộ cho cán bộ, công chức (CBCC) mỗi khi có việc. Tại sao DN lại “thích” đưa hối lộ? Tại sao một hành động khác thường lại đang trở nên bình thường và phổ biến như vậy?

“Mua” quan chức rẻ hơn mối lợi thu về

Tại tọa đàm Minh bạch, liêm chính trong kinh doanhdo Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày 9-9, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho biết lý do chính mà DN “thích” đưa hối lộ là vì không có hối lộ thì sẽ hỏng việc, hối lộ là cách để DN giải quyết công việc nhanh, hiệu quả và chi phí “mua” quan chức rẻ hơn so với lợi ích mang về cho DN. Tuy nhiên, đây chỉ là những lý do bề nổi. Vậy nguyên nhân sâu xa của việc DN “thích” đưa hối lộ là gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một chuyên gia luật của VCCI khẳng định: “Nếu môi trường pháp luật về kinh doanh thuận lợi, thủ tục công khai, minh bạch, đơn giản, thống nhất thì chắc hẳn DN không phải bôi trơn để làm gì và tình trạng bôi trơn sẽ giảm đi nhiều”.

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân sâu xa của tình trạng bôi trơn, đưa hối lộ phổ biến như hiện nay là do môi trường kinh doanh chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện các thủ tục. Thủ tục phức tạp, bộ máy rườm rà, thiếu sự phối hợp, CBCC chưa được gắn với trách nhiệm cá nhân cụ thể để có chế độ chính sách thích đáng. Tất cả tồn tại này xuất phát từ tư duy quản lý ôm đồm quá nhiều của Nhà nước.

“Thủ tục càng đơn giản thì ít phiền toái chứ không phải nhiều thủ tục thì hiệu quả quản lý cao. Quản lý nhà nước chỉ là một công cụ nhưng không phải là công cụ duy nhất. Và khi bộ máy phình to, ngân sách lại teo tóp, đời sống CBCC khó khăn thì dễ gây nhũng nhiễu. Khi ấy câu chuyện bôi trơn, đưa hối lộ của DN sẽ trở nên phổ biến” - vị chuyên gia này nói.

Phí bôi trơn tính vào giá thành

Ở góc độ người trong cuộc, chị K., kế toán một công ty, cho hay: DN không ai muốn chủ động hối lộ cho cán bộ cả. Tình thế buộc DN phải nghĩ và làm như thế vì nếu không lo lót, bôi trơn thì công việc của mình bị sẽ bị bỏ lơ hoặc bị cán bộ tìm hết cách này đến cách khác để làm khó dễ. “Có lần khi chi cục thuế xuống công ty để quyết toán thuế, mặc dù công ty đã trình nộp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan để chi cục thuế đối chiếu quyết toán nhưng họ cứ ngâm hoài. Đặt trong tình huống bị “treo” như vậy thì DN phải “biết điều” thôi” - chị K. kể.

Trong khi đó, một DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thừa nhận việc DN đưa hối lộ là thực tế. Cũng theo DN này, mọi chi phí bôi trơn như vậy được DN xem như một mức chi phí cấu thành nên giá thành sản phẩm. “Chẳng có ông DN nào bỏ tiền túi của mình ra để trả cho khoản này. Tất cả, dù không thể hiện ra, đều nằm trong chi phí giá thành. Chỉ là vấn đề hạch toán như thế nào thôi” - vị này nói.

“Muốn giảm được tình trạng này, tôi cho rằng phải bắt nguồn từ chính sách. Bởi thực tế hiện nay chính sách của chúng ta còn rất nhiều kẽ hở. Tôi ví dụ, chính sách đưa ra thế này nhưng cơ quan quản lý áp dụng là kiểu gì cũng được, có thể là A, A+ hoặc thậm chí là A-. Khâu nào cũng vướng vào chuyện này. Nếu cơ quan quản lý vận dụng kiểu gì cũng được như vậy thì tất nhiên DN sẽ phải luôn muốn cái tốt nhất. Khi muốn cái tốt nhất, nhanh, thuận tiện thì họ phải đưa chi phí bôi trơn. Vì vậy, muốn giải quyết cái gốc của vấn đề là phải từ chính sách minh bạch, rõ ràng. Còn nếu không, muôn đời DN phải đưa phong bì. Vì không làm như vậy, DN chậm thì DN chết trước” - vị này nhấn mạnh.

Trở thành phản xạ có điều kiện

.Tham nhũng xảy ra là do sự chủ động của DN đưa hối lộ cho cán bộ công quyền hay do chính cơ chế buộc DN phải “ngầm hiểu” như thế để được việc của mình, thưa ông?

+ PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TP.HCM: Theo tôi, tham nhũng xảy ra không phải do sự chủ động của DN đưa hối lộ cho cán bộ công quyền mà do chính cơ chế. Căn nguyên của tham nhũng xuất phát từ công quyền và lạm dụng công quyền để tư lợi, phải có ích lợi nhất định nào đó cho cá nhân vi phạm nguyên tắc công minh mới có tham nhũng.

Tham nhũng ở nước ta đã có mặt sâu rộng trong các giao dịch của xã hội và nó được sử dụng như một phương tiện để đạt các mục đích. Tham nhũng đang có nguy cơ trở thành văn hóa trong giao tiếp của người dân và DN với cơ quan nhà nước. Muốn được việc, mất ít hưởng nhiều, chỉ cần hối lộ quan chức. Từ đó mà việc bôi trơn, đút lótdần trở thành phản xạ có điều kiện của DN khi đến làm việc với cơ quan nhà nước.

. Những hệ lụy của “phản xạ có điều kiện” ấy là gì?

+ Tham nhũng sẽ làm tăng tính chất bất ổn định đối với các DN. Các DN đưa ra những quyết định của họ trên cơ sở tính toán hiệu quả đầu tư, vì tham nhũng làm giảm hiệu quả đầu tư nên các DN vừa và nhỏ không phát triển được.

Trong trường hợp có khả năng kiếm lời cao nhất từ tham nhũng thì các DN thay vì chú trọng tới các hoạt động sản xuất, tạo ra của cải vật chất sẽ tập trung vào tham nhũng, các hoạt động phân phối lại thu nhập và dồn tài năng của họ vào những việc như vậy. Người ta sẽ tìm ra các biện pháp tham nhũng mới chứ không phải các sản phẩm mới và phương pháp sản xuất mới.

. Vậy cần phải có giảipháp gì để DN thoát khỏi tệ “đi cửa sau”, “bôi trơn” để được việc?

+ Chế độ pháp trị nghiêm minh là một trong những thành tố của một chiến lược chống tham nhũng có hiệu quả. Một trong những nhân tố quan trọng trong việc tăng cường pháp trị là ban hành những quy định đơn giản, rõ ràng và minh bạch để tất cả các bên hữu quan đều có thể hiểu được.

Đồng thời, cần có chế độ lương thích hợp thúc đẩy công chức không chấp nhận hối lộ và có biện pháp trừng phạt, bắt giữ khi vi phạm về tham nhũng.

MINH CƯỜNG

Giải quyết vướng mắc bằng phong bì và quan hệ

Trong khảo sát mới đây của Thanh tra Chính phủ với Ngân hàng Thế giới, trước câu hỏi “DN hành động gì khi gặp vướng mắc với cơ quan nhà nước” thì 51% trả lời là dùng mối quan hệ để tác động - kèm theo đó là phong bì, 59% DN trả lời đưa tiền, quà để giải quyết cho được việc. Chỉ có 13% DN phản ánh với cơ quan chức năng và 6% phản ánh với cơ quan báo chí.

Trả lời câu hỏi “tại sao DN đưa hối lộ”, 32% DN cho rằng cần giải quyết công việc nhanh, hiệu quả; 26% DN nói chi phí “mua” quan chức rẻ hơn so với lợi ích mang về; đáng chú ý đến 68% DN cho rằng không có hối lộ thì sẽ hỏng việc. Với câu hỏi “CBCC có ép buộc DN đưa hối lộ hay DN chủ động”, 70% DN cho biết họ chủ động.

Theo T.HẰNG - M.PHƯƠNG

thanhhuong

PhapluatTP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên