MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao những đám mây đang trút mưa tiền cho Google, Amazon vẫn khó đổ xuống Việt Nam?

18-11-2015 - 11:31 AM | Doanh nghiệp

"Có những DN đã hiểu rõ về sự tiện ích của điện toán đám mây, vẫn rất ngập ngừng khi chuyển đổi. Lý do vì “đám mây” đúng với hàm ý của nó, tất cả đều là “ảo”. Việc không thể thấy được, chạm được vào hệ thống khiến nhà quản lý lo lắng".

Bắt đầu được biết tới từ năm 2007, điện toán đám mây hiện đã dần trở thành khái niệm quen thuộc của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là mô hình cho phép cá nhân, doanh nghiệp lưu trữ, tính toán, chia sẻ dữ liệu một cách thuận tiện và nhanh chóng. Tất cả hoạt động đều dựa trên nền tảng Internet, giúp giảm tối đa đội ngũ quản trị và thời gian làm việc với nhà cung cấp dịch vụ.

Đơn giản hơn nữa? Khi bạn xây dựng một trang web cho công ty của mình, hay xây dựng kho dữ liệu, bạn không cần phải nghĩ đến những công việc dành cho dân chuyên ngành như mua, lắp đặt máy chủ, thuê đường truyền, triển khai và quản trị hệ thống,… Thay vào đó, bạn chỉ cần thuê một công ty cung cấp dịch vụ và tất cả sẽ được đưa “lên mây” hết.

Bạn vừa tiết kiệm được chi phí, diện tích lắp đặt, vừa tiết kiệm được tiền duy trì đội ngũ nhân sự vận hành hệ thống. Chỉ cần vài thao tác nhỏ mà một người nghiệp dư cũng có thể làm được, thế là bạn có một vị trí trong đám mây khổng lồ để lưu trữ, xử lý dữ liệu của mình.

Sự tiện lợi của điện toán đám mây cũng giống như việc bạn đi thuê văn phòng thay vì tự xây dựng trụ sở cho riêng mình.

Dễ thấy, không phải công ty nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để xây dựng một trụ sở cho riêng. Thậm chí, kể cả khi bạn có nhiều tiền, việc thuê văn phòng vẫn cho thấy sự tiện lợi hơn, nhất là khi công ty cần mở rộng hoặc thu hẹp quy mô.

Khi lượng nhân sự cần tuyển mới tăng lên, nếu bạn thuê văn phòng, điều cần làm chỉ là đăng ký thuê thêm diện tích, hoặc một vài tầng nữa. Trong khi đó, nếu bạn tự xây trụ sở, khi diện tích đã chật kín, bạn không thể “cơi nới” thêm diện tích được, lúc đó sẽ rơi vào tình trạng “muốn tuyển nhưng không có chỗ ngồi”.

Ngược lại, nếu lượng nhân sự giảm xuống, trụ sở của bạn sẽ bị trống một diện tích đáng kể, gây ra sự lãng phí. Trong khi đó, nếu thuê văn phòng, thì bạn chỉ cần thông báo sẽ thuê diện tích nhỏ lại, vừa nhanh gọn lại tiết kiệm.

Câu chuyện của đám mây cũng giống như thuê văn phòng ảo. Nếu doanh nghiệp mở rộng hệ thống dữ liệu của mình, thay vì bỏ tiền ra mua máy chủ mới (và bỏ không khi thu hẹp) theo cách truyền thống, doanh nghiệp có thể tối ưu diện tích, khối lượng sử dụng ở trên mây. Nó sẽ tiết kiệm tối đa chi phí của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc VCCloud, một đơn vị lớn cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chia sẻ.

Sự tiện dụng của đám mây với doanh nghiệp lớn đến nỗi AWS, dịch vụ đám mây của Amazon chỉ sau vài năm ra mắt đã làm mưa làm gió, trở thành đối thủ đáng sợ của những ông lớn trong ngành lưu trữ dữ liệu, đã có hàng chục năm tuổi đời như Oracle, Dell hay EMC.

AWS, dịch vụ đám mây của Amazon đang làm mưa làm gió trên thị trường, vượt qua các mảng thương mại điện tử truyền thống để trở thành mảng kinh doanh thu lời lớn nhất của doanh nghiệp này

Tuy nhiên, tại Việt Nam, câu chuyện lại có những vấn đề riêng. Cũng giống như bất kỳ loại hình dịch vụ mới nào khi gia nhập thị trường, vẫn luôn có một khoảng trống cần thời gian để khỏa lấp.

Đó là khoảng trống về thói quen tiêu dùng.

“Nhu cầu dùng điện toán đám mây vẫn chưa định hình rõ nét. Các doanh nghiệp vẫn quen với việc đi thuê, hoặc mua máy chủ vật lý hơn, vì nói đến khái niệm đám mây, vẫn còn có nhiều người chưa hiểu rõ”, ông Hùng chia sẻ.

Thậm chí có những DN đã hiểu rõ về sự tiện ích của đám mây, vẫn rất ngập ngừng khi chuyển đổi. Lý do vì “đám mây” đúng với ý nghĩa của nó, tất cả đều là “ảo”. Việc không thể thấy được, chạm được vào hệ thống khiến họ lo lắng.

Thêm vào đó, khi thị trường đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển và hiểu biết của người đi thuê còn hạn chế, nhiều đơn vị thiếu năng lực vẫn cố “hớt váng” thị trường bằng những dịch vụ kém chất lượng.

Hệ thống của các đơn vị này chỉ là nền tảng ảo hóa thông thường, nhưng vẫn bán cho doanh nghiệp dịch vụ điện toán đám mây. Kết quả là thực tế khi sử dụng hiệu quả rất thấp, chi phí cao và quan trọng nhất là không có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp. Khoảng trống ở thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho người tiêu dùng cá nhân, những người cần tới điện toán đám mây nhất vẫn còn bỏ ngỏ.

Với 97% trong số 600.000 doanh nghiệp Việt Nam hiện tại thuộc nhóm DN vừa và nhỏ, không muốn đầu tư quá lớn vào công nghệ, thị trường mà VCCloud nhắm tới là rất tiềm năng.

“Đây chính là thị trường chúng tôi muốn đón đầu. Hiện tại, đây là nhóm doanh nghiệp đông đảo nhất nhưng tỉ lệ áp dụng công nghệ thông tin chưa nhiều, trong khi xu hướng chung là sớm hay muộn họ cũng phải chuyển lên nền tảng Internet”, ông Hùng chia sẻ.

Với 97% trong số 600.000 doanh nghiệp Việt Nam hiện tại thuộc nhóm DN vừa và nhỏ, không muốn đầu tư quá lớn vào công nghệ, thị trường mà VCCloud nhắm tới là rất tiềm năng. Vấn đề là làm sao để hướng các DN này lựa chọn dịch vụ đám mây, giải thích cho họ hiểu những lợi ích mà dịch vụ này mang lại.

SME, những DN quy mô vừa và nhỏ, không có nhiều tiền nhưng số lượng đông đảo, sẽ sớm trở thành một thị trường đầy tiềm năng của điện toán đám mây

Ra mắt từ 2014, VCCloud là một trong số ít những đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây đúng nghĩa tại thị trường: giúp DN tối ưu hóa hệ thống, tăng tốc độ, đảm bảo việc hỗ trợ kỹ thuật. VCCloud cũng rất coi trọng việc hỗ trợ DN giúp giảm thiểu tác hại của tấn công DDos và các lỗ hổng bảo mật.

Mặc dù vậy, theo ông Hùng, khách hàng sử dụng dịch vụ của VCCloud hiện tại, đa phần vẫn là những DN công nghệ, hoặc là những người phát triển, được các DN thuê để xây dựng hệ thống.

Sau 1 năm hoạt động, hệ thống cũng đã ghi nhận những tín hiệu khả quan. Dễ thấy nhất là tất cả những khách hàng lựa chọn đám mây đều tiếp tục trung thành với dịch vụ chứ không có ý định chuyển đối về mô hình cũ. Một số doanh nghiệp từng thuê dịch vụ đám mây của các nhà cung cấp nước ngoài, cũng đã bắt đầu để mắt tới một số nhà cung cấp trong nước như VCCloud và quay về sử dụng.

“Nó cho thấy tiện ích của điện toán đám mây là không thể chối cãi, và nếu đầu tư bài bản, các nhà cung cấp trong nước vẫn có thể cạnh tranh với nước ngoài”, ông Hùng chia sẻ.

Vấn đề còn lại, đó là làm sao để hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ kia, cũng biết tới đám mây và lợi ích từ nó?

- “Điều này sẽ cần phải có thêm thời gian”, ông Hùng nhận định.

Có thể thấy, câu chuyện đám mây cũng giống như câu chuyện của thương mại điện tử tại Việt Nam. Những sản phẩm mới luôn cần người dùng thích nghi và tạo ra thói quen tiêu dùng.

Tuy nhiên, đại diện của VCCloud cũng rất lạc quan. Ông tin rằng điện toán đám mây sẽ có những bước đi nhanh hơn trong tương lai gần. Đơn giản vì đối tượng phục vụ chính của dịch vụ này là các doanh nghiệp - những đơn vị giỏi tính bài toán lợi ích nhất, và họ chắc chắn sẽ chọn cách tối thiểu chi phí và tối đa hiệu quả cho mình.

 

Theo Trang Lam

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên