MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank: Bất ngờ với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chỉ 3,1%

23-04-2011 - 00:05 AM | Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc VCB lý giải rằng VCB không thể kinh doanh "ngoài luồng" đẩy lãi suất huy động vượt trần 14% như nhiều ngân hàng khác, do đó VCB bị "tổn thương".

Ngày 22/4, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011. Đại hội đã thông qua các tờ trình được VCB đưa ra xin ý kiến.

Khiêm tốn kế hoạch lợi nhuận 2011

Ông Nguyễn Phước Thanh – Tổng giám đốc VCB đã thừa nhận đó là một kế hoạch không cao, tuy nhiên nó phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang phải đẩy mạnh các biện pháp để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, năm 2011 cũng là năm huy động vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao.

Mặc dù, theo quy định của NHNN yêu cầu các NHTM áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 14% nhưng trên thực tế việc nhiều ngân hàng vượt qua mức “trần” này không phải là không có. VCB là ngân hàng Nhà nước nắm giữ đến 90% cổ phần thì không thể kinh doanh “ngoài luồng” như nhiều ngân hàng hiện nay.

VCB đặt mục tiêu kế hoạch tổng tài sản năm 2011 sẽ là 353.620 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2010); Theo quy định của NHNN VCB cũng đặt chỉ tiêu cho vay khách hàng bằng 20%, tương đương với 212.177 tỷ đồng; Huy động vốn từ nền kinh tế là 249.84 tỷ đồng (20%) và lợi nhuận trước thuế năm 2011 là 5.650 tỷ đồng, tăng 3,1%; nợ xấu trên tổng dư nợ  sẽ dưới 2,8%.

Cũng chính sự cạnh tranh không lành mạnh đó đã khiến cho quy mô hoạt động của VCB ít nhiều bị “tổn thương”. Và một khi đã làm đúng luật thì chênh lệch để có lãi giữa lãi suất đầu ra và lãi suất đầu vào là rất thấp. Do đó, mặc dù lợi nhuận chỉ tăng 3% nhưng đó đã là một sự cố gắng của VCB.
 
Bên cạnh đó, ông Thanh khẳng định là một ngân hàng có vốn điều lệ lớn đã mang lại kết quả kinh doanh nhiều thành công cho VCB. Cùng với việc giữ vững thị phần về các sản phẩm lõi (thanh toán xuất nhập khẩu, ngoại tệ, thẻ thanh toán…) thì năm 2010 ngân hàng đã phát huy việc kinh doanh qua thị trường liên ngân hàng và đem về số thu nhập lãi tăng khoảng 36% - Con số này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh năm qua NHNN chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 25%.

Trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài lên tỷ lệ 20% 

Theo phương án tăng vốn điều lệ, năm nay VCB dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 tỷ USD, từ 17.587,54 tỷ đồng lên 24.622,56 tỷ đồng.

Cụ thể, VCB sẽ phát hành thêm 211 triệu cổ phiếu, tương đương 2.110,5 tỷ đồng theo mệnh giá để trả cổ tức tỷ lệ 12%. Dự kiến quý II sẽ phát hành ngay khi được các cơ quan chức năng chấp thuận.

VCB cũng sẽ phát hành riêng lẻ cho các cổ đông chiến lược nước ngoài thêm tối đa là 492,45 triệu cổ phiếu, ứng với tỷ lệ sở hữu khoảng 20%. Thời điểm dự kiến là cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012.

Giải thích về việc lựa chọn hình thức phát hành thêm để trả cổ tức, ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT ngân hàng VCB cho biết: Sở dĩ VCB lựa chọn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì trả tiền mặt là do hiện tại VCB đang cần tăng vốn.

Nếu như tăng vốn mà để bên ngoài mua vào thì quyền lợi của cổ đông sẽ không được đảm bảo. Nếu thanh khoản của thị trường tốt lên, giá cổ phiếu VCB tăng thì cổ đông có thể bán với giá 30 nghìn, 50 nghìn thậm chí nhiều hơn thế. 

Về phía VCB, việc tăng vốn cũng có lợi vì với mức vốn điều lệ hiện nay khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng thì hệ số an toàn vốn cũng chỉ vào khoảng 9%. Nhưng với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2011 là 20% nếu không tăng vốn lên sẽ không đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn do NHNN quy định.

Với cơ cấu thu nhập từ lãi chiếm tới 70% và phi lãi là 30% thì nếu không tăng vốn (tăng chỉ số an toàn) để tận dụng cơ hội thì cơ hội có nhiều lãi sẽ thấp hơn đối với VCB.

Sẽ giảm từ 4.800 tỷ xuống 4.300 tỷ đồng đầu tư ra ngoài; thoái vốn khỏi Shinhan Vina

Theo ông Thanh, hiện VCB đang đầu tư ra ngoài khoảng 4.800 tỷ đồng, trong đó có khoảng 2.800 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng và các liên doanh như: Ngân hàng EIB, MB, OCB... Từ đầu năm 2010 VCB đã chủ động thoái vốn để thực hiện chủ trương của NHNN về giảm đầu tư chéo, chính sự chủ động này đã giúp VCB thoái vốn an toàn mà không hề bị thiệt hại.

Trường hợp của ngân hàng Shinhan Vina mặc dù ngân hàng này đang làm ăn rất tốt nhưng trong năm 2010 - 2011 VCB vẫn sẽ phải thoái vốn ra khỏi liên doanh này. Lý do là vì ngân hàng Hàn Quốc này đã mở Chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và quan điểm của họ là không thể để hai ngân hàng cùng hoạt động song song. (Hiện VCB chiếm khoảng 50% sở hữu của Shinhan Vina)

Năm 2011, VCB dự kiến vốn đầu tư ra ngoài chỉ còn khoảng 4.300 tỷ đồng.

Tiền gửi nước ngoài khoảng 1 tỷ USD

Trả lời câu hỏi của cổ đông về hiệu quả các nguồn tiền đầu tư mua trái phiếu Chính phủ một số nước trên thế giới trong thời gian qua? Ông Thanh đã chia sẻ: Những khoản đầu tư của VCB ở nước ngoài tính đến thời điểm hiện nay về cơ bản đã đã thực hiện tốt; số tiền mua trái Chính phủ Mỹ và Ngân hàng Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã thanh lý xong và thu đủ cả gốc lẫn lãi.

Tiền gửi của VCB tại nước ngoài luôn vào khoảng 1 tỷ USD để phục vụ các mục đích thanh toán.

Khánh Linh

Theo VCB

tungdn2

Trở lên trên