MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines tái cơ cấu để trở thành tập đoàn mạnh

05-04-2012 - 08:21 AM | Doanh nghiệp

Cổ phần hóa công ty mẹ phải là ưu tiên số 1 trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không VN - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định hướng đi của hãng hàng không quốc gia trong thời gian tới.

Tăng vốn chủ sở hữu

Sáng ngày 4/4, tại buổi báo cáo Bộ trưởng về Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch HĐTV TCT cho biết Vietnam Airlines đề xuất 4 nhóm giải pháp để tái cơ cấu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Theo đó, TCT sẽ tập trung nâng cao hiệu quả SXKD bằng cải thiện doanh thu, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng đội tàu bay, năng suất lao động... Bên cạnh đó, TCT cũng cơ cấu lại tổ chức, bộ máy điều hành; đề xuất cơ cấu lại các xí nghiệp thương mại mặt đất thành công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn của TCT...

Ngoài ra, TCT đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp (DN) có vốn góp theo hướng thoái vốn tại 9 DN đầu tư ngoài ngành, kém hiệu quả thu hồi 530 tỷ đồng; giữ vốn từ 36 đến 51% tại 11 DN cung ứng sản phẩm truyền thống. Giữ vốn góp chi phối tại 9 DN có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và an toàn hàng không.

Đặc biệt, ông Phạm Viết Thanh cho rằng nhóm giải pháp về tài chính có yếu tố vô cùng quan trọng đối với quá trình tái cơ cấu của TCT. Trong đó, có vấn đề tăng vốn chủ sở hữu bằng nguồn thu từ cổ phần hóa và bổ sung vốn từ lợi nhuận.

Đồng thời, TCT cũng đề nghị tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án tiếp nhận 13 máy bay từ năm 2016 đến 2018. Bên cạnh 2 nhóm giải pháp tăng vốn chủ sở hữu và huy động vốn từ nguồn vay tín dụng xuất khẩu, vay thương mại và phát hành trái phiếu, TCT đề xuất việc được vận dụng hình thức bán và thuê lại tàu bay... để có thể bổ sung vốn khi gặp khó khăn về dòng tiền.
Vietnam Airlines đang khai thác đội tàu bay gồm 73 chiếc với 47 đường bay quốc tế, 38 đường bay nội địa
Vietnam Airlines đang khai thác đội tàu bay gồm 73 chiếc
với 47 đường bay quốc tế, 38 đường bay nội địa
Việc tăng vốn chủ sở hữu được xem là một yếu tố quyết định tới kế hoạch tái cơ cấu và tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho Vietnam Airlines khi hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của TCT luôn cao hơn mức quy định. Có tình trạng này chủ yếu do đặc thù của ngành hàng không là bán vé thu tiền trước, trả dịch vụ sau, do các khoản vay đầu tư phát triển đội tàu bay đã được phê duyệt và việc cổ phần hóa chậm hơn dự kiến.

Với vốn điều lệ ở mức hơn 7,8 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8,4 nghìn tỷ, tỷ lệ vốn vay dài hạn/vốn chủ sở hữu từ 2,07 đến 3,04, nợ trên vốn chủ sở hữu là 4,82, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu thị trường suy giảm, có yếu tố bất thường, thì Vietnam Airlines cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo khả năng thanh toán.

Điều chỉnh kế hoạch phát triển đội tàu bay

Vietnam Airlines cũng đề xuất được tiếp tục nghiên cứu bổ sung việc đưa vào sử dụng tàu bay A 380 và tàu bay phản lực cỡ nhỏ vào khai thác. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 112 tàu bay, năm 2020 sẽ có 171 tàu bay. Đây là điểm mới so với kế hoạch phát triển đội tàu bay đã được Thủ tướng phê duyệt trước đây.

Theo Vietnam Airlines với sự điều chỉnh này, TCT có thể thực hiện tốt các chiến lược phát triển mạng đường bay trong đó chú trọng mạng nội địa và tiểu vùng Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanma, mở rộng mạng đường bay quốc tế khu vực châu Á, mở đường bay xuyên Thái Bình Dương tới Bờ tây Bắc Mỹ, thêm đường bay tới châu Âu...

Theo các chuyên gia của hãng, số tàu bay dự kiến như trên mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu dự báo và vẫn đảm bảo mức an toàn đầu tư khi thị trường suy giảm.

Hiện nay, theo báo cáo của Vietnam Airlines, thực hiện kế hoạch đầu tư đội tàu bay sở hữu, tổng vốn đầu tư cần thanh toán cho giai đoạn 2012 - 2020 để tiếp nhận 36 tàu bay đã được ký hợp đồng (chưa bao gồm vốn cho A 380 và đội tàu bay phản lực) là hơn 3,8 tỷ USD.

Hình thành tập đoàn hàng không quốc gia mạnh

Theo đề án, quy mô của TCT sau tái cơ cấu sẽ gồm có công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không VN gồm các hãng hàng không quốc gia, Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), hãng hàng không Jetstar Pacific (có vốn góp chi phối), hãng hàng không Cambodia Angkor Air (công ty liên kết).

Cụ thể hơn, TCT Hàng không VN sẽ có 15 công ty con và 12 công ty liên kết so với 18 công ty con và 14 công ty liên kết hiện nay. Ngoài ra, TCT sẽ nghiên cứu thành lập các công ty thuộc lĩnh vực vận tải hàng không và dịch vụ đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Năm 2011, Vietnam Airlines vận chuyển gần 13,8 triệu lượt khách
Năm 2011, Vietnam Airlines vận chuyển gần 13,8 triệu lượt khách

Nhìn một cách tổng thể, Đề án tái cơ cấu của Vietnam Airlines không có gì đột phá so với các kế hoạch trước đây ngoại trừ quyết tâm thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa muộn nhất vào năm 2013 và tự tin với số vốn thu về từ lần IPO đầu tiên lên tới 200 triệu USD.

Tuy nhiên, điều này có thể được lý giải phần nào theo phát biểu của TGĐ Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh: "Những năm qua, TCT đã rất quan tâm tới tái cấu trúc doanh nghiệp và đã đi theo hướng xây dựng mô hình chuẩn của hãng hàng không theo chuẩn quốc tế".

Trên thực tế, thời gian qua, Vietnam Airlines cũng đã liên tục triển khai nhiều chương trình nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng phục vụ, đạt mức tăng trưởng 2 con số, mở rộng mạng lưới khai thác lên 85 đường bay cả quốc tế và nội địa, gia nhập thành công Liên minh hàng không quốc tế Sky Team và xây dựng thương hiệu ngày càng vững mạnh.

Theo Vietnam Airlines, sau khi hoàn thành cổ phần hóa công ty mẹ vào năm 2013, bán 20 - 30% vốn nhà nước, dự kiến vốn chủ sở hữu của TCT năm 2013 là 14,4 nghìn tỷ đồng và sẽ đạt 21,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2015. Hệ số tổng nợ/vốn chủ sở hữu, hệ số vay nợ dài hạn/vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống mức 3,44 và 2,2 lần vào năm 2015. Nhờ đó tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn lên mức 21,45%.

Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe đề án và các ý kiến đóng góp của các cơ quan tham mưu, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Vietnam Airlines phải tái cơ cấu để phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn, trở thành một tập đoàn hàng không quốc gia mạnh không những hoàn thành mục tiêu kinh tế, chính trị mà phải là lực lượng dự bị đáng tin cậy cho an ninh quốc phòng.

Bộ trưởng yêu cầu TCT phải cập nhật lại dự báo, đánh giá lại tài sản, có phương án tăng vốn điều lệ, phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tính toán đầu tư cho phù hợp với cơ sở hạ tầng... Bên cạnh đó, tìm cách huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

 Đặc biệt, ưu tiên số 1 cho cổ phần hóa công ty mẹ. Bộ trưởng giao TCT hoàn thiện lại đề án trình Bộ GTVT vào tháng 4 để Bộ trình Chính phủ trong tháng 5.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rà soát lại quy hoạch phát triển hàng không, phải đặt kế hoạch phát triển hàng không trong quy hoạch mạng giao thông vận tải nói chung, kết nối các phương thức vận chuyển cho hiệu quả.

Theo N.Nga
Bao GTVT

cucpth

Trở lên trên