MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel đạt doanh thu gần 10 tỷ USD trong năm 2014

25-12-2014 - 11:22 AM | Doanh nghiệp

Ước tính đến hết năm 2014, Viettel sẽ đạt doanh thu là 196.650 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD). Trong khi đó, sau khi tách MobiFone ra doanh thu của VNPT chỉ đạt là 101.055 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD).

Nếu so với các doanh nghiệp viễn thông, năm nay Viettel vẫn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất với con số là 20% so với năm 2013. Ước tính đến hết năm 2014, doanh thu của Viettel đạt 196.650 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD) và đạt lợi nhuận trước thuế: 40.532 tỷ đồng. Trong khi Viettel vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt thì VNPT lại bị giảm doanh thu và lợi nhuận sau khi Thủ tướng đồng ý cho MobiFone ra ở riêng và trở thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Ước tính doanh thu năm 2014 của VNPT chỉ đạt là 101.055 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). Nếu nhìn trên con số tổng doanh thu có thể thấy doanh thu của Viettel gần gấp đôi VNPT.

Sau khi tách MobiFone thì lợi nhuận của VNPT cũ bị sụt giảm và ước tính chỉ đạt 6.310 tỷ đồng, lợi nhuận của Viettel đạt tới 40.532 tỷ đồng. Với con số này lợi nhuân của Viettel sẽ gấp khoảng hơn 6 lần lợi nhuận của VNPT.

Năm 2013, tổng doanh thu toàn Tập đoàn VNPT khoảng 119.000 tỷ đồng, trong khi đó, doanh thu của Tập đoàn Viettel là 162.886 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu năm 2013 của Viettel vượt VNPT là 43.886 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế của Viettel cũng nhiều hơn VNPT là 25.821 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, 2012 là năm đầu tiên đánh dấu doanh thu của Viettel lần đầu tiên vượt VNPT (140 nghìn tỷ đồng so với 130.500 tỷ đồng). Mức lợi nhuận năm 2012 của Viettel cũng gấp hơn 3 lần so với VNPT.

Trước thực tế thuê bao di động chuyển sang ngưỡng bão hòa thì Viettel đã đưa ra chiến lược cho hướng đi mới.Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, xu thế mọi người rời bỏ PC, đưa ứng dụng CNTT trên nền tảng di động (smartphone, tablet) đã phổ biến. Rất nhiều doanh nhân bắt đầu điều hành chủ yếu bằng “văn phòng di động” trên smartphone, tablet... Vì vậy, Viettel sẽ phải đẩy mạnh, đẩy nhanh hướng dịch chuyển này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Viettel sẽ là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam kết hợp “3 trong 1”: CNTT, viễn thông và thiết bị thông minh (smart device). Ví dụ: công tơ điện là một device, Viettel gắn vào đó một SIM 3G, sau đó dữ liệu được đưa về máy tính để xử lý, với việc tích hợp này, Viettel sẽ xác định mức tiêu thụ, công suất, điện áp, thu tiền điện giống như với điện thoại di động. Viettel sẽ biến CNTT không phải là sản phẩm mà thành dịch vụ như dịch vụ viễn thông.

Viettel đặt mục tiêu trở thành công ty nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Nếu Viettel và các doanh nghiệp khác thành công trong việc nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Viettel cũng đặt mục tiêu phải phổ cập hóa di động băng rộng, siêu băng rộng bằng cáp quang, phổ cập truyền hình cáp, kết hợp với thiết bị điện tử, đưa dịch vụ viễn thông, CNTT vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.

“Viettel đang xây dựng chiến lược phải trở thành công ty toàn cầu. Tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư thì phải là 1 trong 3 công ty to nhất ở thị trường đó. Viettel cũng đặt mục tiêu đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600-800 triệu dân vào năm 2020 và trở thành Top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo NT

thunm

ICTNews

Trở lên trên