MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinashin: Hoãn nợ rồi, bắt đầu lo…

15-10-2013 - 00:17 AM | Doanh nghiệp

Vinashin đã được đa số các chủ nợ nước ngoài chấp thuận đổi khoản nợ 600 triệu USD từ năm 2006 lấy trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ.

Trong 12 năm tới, Vinashin sẽ phải xoay sở có các nguồn thu lớn, bán bớt tài sản, vốn tại nhiều công ty để tích lũy trả nợ vào năm 2025.

600 triệu USD là khoản nợ gây "tai tiếng" nhất cho Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam). Theo ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐTV Vinashin, đây là khoản nợ vay từ 21 ngân hàng, quỹ đầu tư, cá nhân ở nước ngoài… khó xử lý nhất trong hơn 4 tỷ USD nợ của Tập đoàn. Giờ gỡ được thì những khoản nợ khác sẽ dễ xử lý.

Hoãn nợ 12 năm

Ngày 10/10, Trung tâm Lưu ký chứng khoán tại New York (Mỹ) đã chính thức xác nhận việc phát hành 600 triệu USD trái phiếu để hoán đổi nợ vay nước ngoài của Vinashin. Số trái phiếu này do DATC (Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Tài chính) phát hành dưới dạng Chứng chỉ lưu ký toàn cầu, có bảo lãnh của Chính phủ. Toàn bộ trái phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán Singapore 1 ngày sau đó. Thời hạn trái phiếu lên tới 12 năm, lãi suất 1%/năm, và thanh toán một lần toàn bộ nợ gốc và lãi khi đến hạn.

Ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC, cho biết: "Vinashin là tập đoàn kinh tế lớn, và đóng tàu vẫn được xác định là một trong 6 ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Do đó, Chính phủ đứng ra bảo lãnh số trái phiếu tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD này để tạo lòng tin cho các chủ nợ nước ngoài".

Theo ông Quang, nếu Vinashin không trả được nợ khi đến hạn (năm 2025) thì DATC với tư cách tổ chức phát hành sẽ phải trả nợ thay. Nhưng Vinashin sẽ phải kinh doanh, có nguồn thu để trả lại cho DATC. Bảo lãnh của Chính phủ là một sự cam kết rằng "Vinashin sẽ trả nợ không thiếu một đồng nào cho chủ nợ", ông Quang nhấn mạnh.

Trước đó, năm 2010, Vinashin đã buộc phải tái cơ cấu lần đầu do tình hình tài chính bê bết với khối nợ lên tới 86.000 tỷ đồng, lộ ra nhiều sai phạm trong mua sắm tàu biển, ụ nổi, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả… Suốt 3 năm qua, Vinashin đối mặt với vụ kiện của các chủ nợ nước ngoài, yêu cầu thanh toán số nợ gốc 600 triệu USD cùng tiền lãi.
Đến giờ, tập đoàn này mới chỉ trả được 5 triệu USD tiền lãi, nợ gốc chưa trả. Để được tòa án tối cao tại London chấp thuận thỏa thuận tái cấu trúc nợ, Vinashin đã phải xây dựng phương án cơ cấu nợ, thuyết phục các chủ nợ đồng ý với tỷ lệ tối thiểu trên 50% số chủ nợ đại diện cho hơn 75% số nợ nhất trí thông qua.

Tháng 8/2013, tại hội nghị chủ nợ ở Singapore, Vinashin đã đạt được sự chấp thuận của 64,7% số chủ nợ đại diện cho 79,3% số nợ biểu quyết thông qua Thỏa thuận tái cấu trúc do Tập đoàn đệ trình. Theo đó, các nghĩa vụ nợ của Vinashin sẽ được hoán đổi thành trái phiếu do DATC phát hành, được Chính phủ bảo lãnh.

"Vinashin sẽ tiếp tục xử lý các khoản nợ khác, chậm nhất đến quý I/2014 sẽ hoàn tất việc tái cơ cấu nợ của toàn Tập đoàn", ông Sự nói với báo giới, vào thời điểm trái phiếu được phát hành thành công ở Mỹ. Cá nhân vị lãnh đạo này cho rằng Vinashin đang có lợi vì đã cơ cấu được khoản nợ 600 triệu USD đáng lẽ ra phải trả từ năm 2010. Với việc kéo dài thời gian trả nợ thêm 12 năm, Tập đoàn có cơ hội tái cơ cấu, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bán tài sản: Kẹt cơ chế

Về nguồn tiền trả nợ trái phiếu cùng hàng chục nghìn tỷ đồng nợ, ông Sự cho hay: lộ trình tái cơ cấu nợ của Vinashin sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là mua đứt nợ, dùng tiền tái cơ cấu các khoản vay khác. Trong đó, với khoản nợ trái phiếu 600 triệu USD, Vinashin sẽ có phương án trích một phần doanh thu vào Quỹ tích lũy trả nợ dần. Đến năm thứ 12 sẽ có đủ tiền trả nợ. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục xử lý vấn đề tài chính tồn đọng.

Thời gian qua, dù phải tái cơ cấu rất khó khăn, Vinashin vẫn nhận được nhiều đề nghị hợp tác của các công ty nước ngoài đến từ Hy Lạp, Đan Mạch, Hồng Kông… Trong đó, Damen - đối tác tư vấn, đóng tàu lớn của Đan Mạch, sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với 8 DN đóng tàu được giữ lại của Vinashin (sau khi quay về mô hình tổng công ty).

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Sự cho biết Vinashin vẫn còn hợp đồng đóng 30 tàu biển cho Vinalines ký trước đây, nhưng có lẽ phải hoãn lại, chờ thị trường hồi phục. Hơn nữa, thị trường vận tải biển ảm đạm, đội tàu của Vinalines chưa hoạt động hết công suất, phải bán bớt tàu trả nợ do tài chính khó khăn.

Vậy nguồn tiền ở đâu để Vinashin trả nợ trái phiếu và các nghĩa vụ nợ lên tới vài chục nghìn tỷ đồng khác? Theo ông Sự, Vinashin hiện còn một số nguồn thu từ việc bán tài sản, chuyển nhượng, chuyển giao vốn tại các công ty con, công ty liên kết… Nguồn thu này cùng tiền từ kinh doanh các sản phẩm khác, Vinashin sẽ tích lũy để trả nợ dần.

Tuy nhiên, Vinashin cũng như nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thể thoái vốn, bán vốn do "kẹt" quy định "phải đảm bảo không làm thất thoát vốn Nhà nước".

"Đây chính là khó khăn lớn nhất mà Vinashin gặp phải. Chúng tôi muốn bán tài sản nhưng thị trường xuống thấp, các nhà đầu tư gần như không quan tâm, nên việc chào bán tài sản, bán vốn tại DN rất khó", ông Sự nói và tiết lộ rằng chủ sở hữu Vinashin - Bộ GTVT, hiện đang xem xét để quyết định cho bán một số tài sản DN theo quy định mới của Chính phủ. Điều này sẽ gỡ khó khăn về nguồn vốn cho Vinashin, vì sắp tới, tập đoàn này còn phải xoay xở trả khoảng 18.000 tỷ đồng nợ các ngân hàng trong và ngoài nước.

Theo Thu Hằng

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên