MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinatex ước lãi hợp nhất 465 tỷ đồng năm 2015

21-12-2015 - 15:57 PM | Doanh nghiệp

Các đơn vị có kết quả kinh doanh tốt được kể tên bao gồm: Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Dệt may Hòa Thọ, Sợi Phú Bài, Dệt may Huế, May Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè, May Đức Giang, Vinatex Đà Nẵng, May Đáp Cầu, May Nam Định, May Hữu Nghị.

Chiều 21/12/2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức gặp mặt báo chí công bố kết quả kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016.

Năm 2015, Vinatex đánh giá biến động kinh tế thế giới bất lợi, đặc biệt việc phá giá đồng tiền của một loạt các quốc gia “đối thủ” của Việt Nam trong việc xuất khẩu dệt may. Giá nguyên phụ liệu giảm (bông, polyester…) khiến các nhà nhập khẩu bị dừng đơn hàng chờ động thái giá.

Bên cạnh đó, giá điện tăng bình quân 5-7%/năm. Giá nước tăng, giá bông xơ biến động thất thường. Chính sách lương tối thiểu, bảo hiểm,… thay đổi. Với Vinatex, chính sách lương, bảo hiểm thay đổi chủ yếu tác động lên các khoản chi phí đi kèm của Tập đoàn do mức lương bình quân của Vinatex đã cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu.

Năm 2015 cũng chứng kiến những cơ hội lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, với ngành dệt may nói riêng. Đặc biệt là cơ hội đến từ Hiệp định TPP hứa hẹn sẽ mở ra một thời kỳ mới cho dệt may Việt Nam.

Kết quả kinh doanh 2015

Tình hình nhập khẩu dệt may các thị trường lớn năm 2015 được nhận định có phần sụt giảm so với năm 2014. Ngoài thị trường Mỹ tăng trưởng 4,8%, ước đạt 112 tỷ USD năm 2015, các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm. Thị trường EU giảm 8%, đạt gần 246 tỷ USD, Nhật Bản giảm 8,5%, đạt 32,3 tỷ USD…

Tuy vậy, Dệt may Việt Nam đã có một năm xuất khẩu khởi sắc với mức tăng trưởng khá so với năm 2014.

Năm 2015 vừa qua, Dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 27,2 tỷ USD vào các thị trường chính, tăng 10% so với năm 2014. Mỹ vẫn là thị chính chiếm 42% kim ngạch xuất khẩu, đạt 11,4 tỷ USD, tăng 12,95% so với năm 2014. 1

Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2015 của Vinatex ước đạt 15.203 tỷ đồng, LNTT đạt 465 tỷ đồng – hoàn thành kế hoạch đề ra.

Kết quả kinh doanh năm 2015 hợp cộng toàn Tập đoàn ước đạt 1.350 tỷ đồng LNTT (tương đương năm 2014) trên doanh thu toàn tập đoàn 52.655 tỷ đồng. Mức lương bình quân lao động toàn Tập đoàn năm 2015 ước đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả kinh doanh hợp cộng là con số cộng ngang toàn bộ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn. Con số này khác (và cao hơn) số hợp nhất do một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, tuy nhiên sau cổ phần hóa, thoái bớt vốn, các doanh nghiệp này sẽ không được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Vinatex.

Các đơn vị có kết quả kinh doanh tốt được kể tên bao gồm: Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Dệt may Hòa Thọ, Sợi Phú Bài, Dệt may Huế, May Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè, May Đức Giang, Vinatex Đà Nẵng, May Đáp Cầu, May Nam Định, May Hữu Nghị.

Kế hoạch kinh doanh năm 2016

Năm 2016, dự kiến nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, đặc biệt với những ảnh hưởng tích cực từ các hiệp định thương mại tự do FTAs… Tuy nhiên, bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với các chính sách tăng lương tối thiểu, tăng số tiền trích lập BHXH (22%), kinh phí công đoàn 2%.

Kế hoạch kinh doanh toàn Tập đoàn được đề ra với các chỉ tiêu tăng 2 con số so với năm 2015. Cụ thể như sau:

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%, đạt gần 45 nghìn tỷ đồng

- Doanh thu tăng 8%, đạt gần 57 nghìn tỷ đồng – mức tăng thấp hơn giá trị sản xuất do dự phòng biến động tỷ giá.

- LNTT tăng 10%, đạt 1.485 tỷ đồng.

Các con số được đưa ra sẽ được trình ĐHCĐ xem xét, thông qua.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên