MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vĩnh Long Food (VLF): Nguồn vốn bế tắc, hoạt động cầm chừng, quý 2 lỗ 61 tỷ đồng

12-08-2015 - 14:06 PM | Doanh nghiệp

Việc bán nhà máy Domyfeed được kỳ vọng giúp cải thiện hoạt động kinh doanh thì lại bị lỗ hơn 27 tỷ đồng khiến Vĩnh Long Food (VLF) thêm lỗ nặng.

Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (mã CK: VLF) công bố BCTC quý 2/2015 hợp nhất.

Trước đó, với thông tin công ty đã bán nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed cho CTCP Thức ăn chăn nuôi Spotlight với giá trước thuế là 56 tỷ đồng được kỳ vọng có thể đem lại dòng tiền bổ sung cho VLF để cải thiện các hoạt động kinh doanh của công ty và giúp KQKD quý 2 khả quan hơn. Tuy nhiên thực tế, việc bán nhà máy này bị lỗ hơn 27 tỷ đồng – đây là một nguyên nhân dẫn đến kết quả lỗ hơn 61 tỷ đồng trong quý 2/2015 của Vĩnh Long Food.

Cụ thể, quý 2/2015 doanh thu thuần giảm mạnh 82,6% xuống còn 70,3 tỷ đồng, giá vốn hàng bán chiếm tới 96% trong doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 2,7 tỷ đồng giảm 84% so với cùng kỳ.

Trong kỳ doanh thu tài chính chỉ có 581 triệu đồng giảm mạnh gần 96,56% so với cùng kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt giảm 55,37% và 65% so với cùng kỳ nhưng chi phí QLDN lại tăng cao hơn 4 lần nên kết quả VLF vẫn phải chịu lỗ thuần 33,7 tỷ đồng. Hoạt động khác bất ngờ lỗ tới 27,5 tỷ đồng khiến LNST của VLF lỗ tới 61,23 tỷ đồng cao gấp nhiều lần mức lỗ hơn 1 tỷ đồng trong quý 2/2014.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, VLF đạt 128,7 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 79% so với cùng kỳ; LNST âm 71,76 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 3,2 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân quý 2/2015 thua lỗ là do:

+ Sản lượng xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh, giá bán cũng liên tục giảm. Đầu mùa công ty đã mua tạm trữ 10.000 tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng trong quý 2/2015 chỉ bán được 6.414,27 tấn gạo các loại, giảm 83,66% so với cùng kỳ.

Do đặc điểm chung của ngành và tình hình kinh doanh của công ty thời gian gần đây liên tục bị thua lỗ nên thời điểm hiện tại nguồn vốn kinh doanh gần như bị bế tắc do tất cả các ngân hàng đều ngưng tài trợ mua vào (ngoại trừ hỗ trợ đợt mua tạm trữ vụ đông xuân theo chỉ đạo của Chính phủ hồi đầu năm) và công ty gần như hoạt động cầm chừng, chủ yếu tập trung thu hồi công nợ, bán hàng tồn kho và các tài sản sử dụng không hiệu quả để trả nợ vay ngân hàng.

+ Chi phí QLDN tăng mạnh là do công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo quy định hơn 19 tỷ đồng (chủ yếu là khoản nợ phải thu từ CTCP Docimexco).

+ Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính không hiệu quả, trong quý 2/2015 công ty đã bán Nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed và bị lỗ hơn 27 tỷ đồng.

Vào giữa tháng 6 vừa qua, VLF đã công bố quyết định của Tòa án nhân dân Tp. Cao Lãnh về vụ kiện CTCP Docimexco nợ tiền mua thức ăn thủy sản. Theo đó, Tòa án buộc CTCP Docimexco phải trả cho thực phẩm Vĩnh Long số tiền vốn là 95,3 tỷ đồng và tiền lãi là 17,1 tỷ đồng. Kể từ ngày VLF có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền CTCP Docimexco chậm thi hành án sẽ bị tính lãi theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Được biết, Vĩnh Long Food đã trải qua 2 năm thua lỗ do hệ lụy từ việc đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản nhưng hoạt động không hiệu quả. Cổ phiếu VLF đang bị giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát kể từ ngày 14/04/2015. Sang năm 2015, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh có lãi với doanh thu 1.400 tỷ đồng và LNTT đạt 3,5 tỷ đồng. Nếu năm 2015 VLF không có lãi, cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HSX.

Trần Dũng

HSX

Trở lên trên