MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Vốn mỏng” – phương thức hiệu quả để hạn chế tình trạng né thuế hợp pháp?

14-12-2012 - 10:09 AM | Doanh nghiệp

Quy định mới nhằm khắc phục tình trạng “né thuế hợp pháp” nhờ khai thác sự khác biệt giữa cổ tức và lãi tiền vay khi tính thu nhập chịu thuế.

Được trừ và không được trừ

Khi tính toán thu nhập chịu thuế, điểm khác biệt lớn nhất giữa cổ tức và lãi tiền vay là cổ tức không được trừ và lãi tiền vay được trừ khi tính toán thu nhập chịu thuế.

Để cho đơn giản, chúng ta cùng xem xét ví dụ về Công ty K. có tổng tài sản 200 tỷ đồng và mỗi năm lợi nhuận trước thuế và lãi vay là 20 tỷ đồng. (Để cho đơn giản, người viết giả định Công ty K. không có các khoản điều chỉnh tăng/giảm doanh thu và chi phí).

Giả sử cơ cấu vốn của Công ty K. bao gồm toàn bộ là vốn góp của cổ đông, tức lãi vay bằng 0, thì lợi nhuận trước thuế và lãi vay cũng đồng thời là thu nhập chịu thuế dùng để tính toán thuế TNDN (bằng 20 tỷ đồng). Số thuế TNDN Công ty K. phải nộp là 5 tỷ đồng (=25%*20 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế có thể chia cho cổ đông là 15 tỷ đồng. Nói một cách hình tượng, “tỷ lệ ăn chia” từ lợi nhuận trước thuế và lãi vay giữa nhà nước và cổ đông là 1:3

Nhưng các cổ đông khôn ngoan không làm như vậy, thay vì coi toàn bộ tài sản là vốn góp, họ cơ cấu phần lớn nguồn vốn của Công ty K. thành khoản vay từ cổ đông. Ví dụ như nay họ chỉ góp 20 tỷ đồng vào Công ty K. và cho vay pháp nhân mới thành lập này 180 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm (tức tỷ lệ vốn vay/ vốn chủ sở hữu ở mức 9 lần).

Nay với khoản chi phí lãi vay trong kỳ 18 tỷ đồng , lợi nhuận trước thuế của Công ty K. sẽ giảm chỉ còn 2 tỷ đồng (lấy lợi nhuận trước thuế và lãi vay trừ đi chi phí lãi vay trong kỳ). Tương ứng, số thuế TNDN cũng giảm chỉ còn 500 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế có thể chia cho cổ đông còn 1,5 tỷ đồng.

Nhưng cổ đông không chỉ hưởng cổ tức 1,5 tỷ đồng, họ còn được nhận lãi vay 18 tỷ nữa! Tổng cộng cổ đông thu về từ Công ty K. 19,5 tỷ đồng so với 15 tỷ đồng nếu cấu trúc 100% nguồn vốn là vốn chủ sở hữu. Đối với nhà nước, tự dưng số thuế thu về hụt mất gần hết chỉ bằng một động tác cơ cấu nguồn vốn đơn giản, và nay “tỷ lệ ăn chia” giữa nhà nước và cổ đông giảm còn 1:39. Trong trường hợp cực đoan khi vốn góp chỉ mang tính tượng trưng (ví dụ: 1 đồng), nhà nước còn chẳng thu được đồng thuế nào từ Công ty K.

Tất nhiên, người đọc nào tinh mắt có thể nhìn ra tiền lãi này sẽ bị đánh thuế khi chuyển lên công ty mẹ. Nhưng trong trường hợp công ty mẹ đóng ở nước ngoài, nhất là các “thiên đường thuế” như đảo Cayman, quần đảo British Virgin, Việt Nam ta chỉ thu được 5% thuế nhà thầu (trên tổng lãi vay) ít ỏi. Còn nếu công ty mẹ đóng ở Việt Nam mà triền miên lỗ hoặc lãi không đáng kể, thì coi như … thoát. Dù sao đi chăng nữa, việc để lại các lỗ hổng giúp chuyển nghĩa vụ thuế từ công ty này sang công ty khác là tối kỵ, vì trong tay các “cao thủ” về tài chính, chuyện “tiết kiệm” được vài chục hay vài trăm tỷ tiền thuế là quá đơn giản.

Thực tế, chiêu này đã được sử dụng rộng rãi trong giới doanh nghiệp để hạn chế số thuế phải nộp. Với các doanh nghiệp FDI, đây là cách dễ dàng và an toàn nhất để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài mà hầu như không phải nộp thuế (trừ thuế nhà thầu đối với lãi vay). Về phía cơ quan thuế, vì không có quy định hạn chế nên chỉ biết ngồi nhìn, muốn vận dụng các quy định về chống chuyển giá cũng khó vì chỉ cần doanh nghiệp tính lãi vay theo lãi suất thị trường (thậm chí thấp hơn như ví dụ nêu trên) là có thể tránh được một khoản thuế rất lớn.

“Vốn mỏng”

Từ thực tế đó, nhiều nước phát triển đã đưa ra quy định giới hạn vốn vay trên vốn chủ sở hữu nhằm tránh thất thu thuế. Theo “Báo cáo kinh nghiệm cải cách chính sách thuế TNDN của một số nước trên thế giới” do Bộ Tài chính soạn thảo, nước đầu tiên áp dụng quy định này là Canada vào năm 1971. Tiếp bước Canada lần lượt là Australia, Mỹ rồi hầu hết các nước Châu Âu và OECD. Tuy vậy, trong số các nước ASEAN, chưa có nước nào đưa quy định trên vào luật.

Cũng phải nói cho rõ rằng, quy định này không đồng nghĩa với việc cấm doanh nghiệp vay trên 4 lần VCSH, xin phép được trích nguyên văn: “Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm” … “chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu”.

Để giúp bạn đọc dễ hiểu, có thể diễn giải bằng chính ví dụ với Công ty K. ở trên (trường hợp VCSH 20 tỷ và vốn vay 180 tỷ). Theo dự thảo luật thuế TNDN, Công ty K. chỉ “được trừ” đối với chi phí trả lãi tiền vay tương ứng với khoản vay tối đa bằng 4 lần vốn chủ sở hữu (tức khoản vay tối đa bằng 80 tỷ và lãi tiền vay tối đa 8 tỷ). Số 10 tỷ lãi tiền vay còn lại sẽ bị coi là “không được trừ” và được cộng vào lợi nhuận trước thuế khi tính thuế TNDN. Nói ngắn gọn là thu nhập chịu thuế sẽ tăng từ 2 tỷ lên 12 tỷ đồng, và số thuế phải nộp cũng tăng từ 500 triệu lên 3 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ “ăn chia” giữa nhà nước và cổ đông đã tăng từ 1:39 lên 1:5,67. Đứng trên góc độ nhà nước, tỷ lệ này là “hợp lý”, nhưng từ phía doanh nghiệp, tự dưng mất 2,5 tỷ rõ ràng là trái đắng chẳng dễ nuốt. Để dung hòa lợi ích giữa hai bên, dự thảo luật thuế mới cho doanh nghiệp thời hạn 2 năm (nếu tính từ công bố dự thảo luật là 3 năm) để cơ cấu lại nguồn vốn. Vậy doanh nghiệp phải làm trong 2 năm ấy?

Hai năm cơ cấu lại nguồn vốn

Với quy định mới, để tránh tối đa số thuế phải nộp, doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn theo đúng tỷ lệ 1:4 như trong dự thảo, tức trong ví dụ về Công ty K. là 40 tỷ VCSH và 160 tỷ vốn vay. Với cùng giả định về khả năng sinh lời, thuế suất và các khoản điều chỉnh doanh thu/chi phí, có thể dễ dàng tính được thu nhập chịu thuế là 4 tỷ, nhà nước thu được 1 tỷ tiền thuế còn cổ đông nhận được 19 tỷ cả thuế và lãi vay. “Tỷ lệ ăn chia” lúc này là 1:19, không “dễ chịu” như hiện nay, nhưng cũng không đến nỗi “đắng miệng” như tỷ lệ 1:5,67 nếu không chịu cơ cấu lại nguồn vốn.

Minh Tuấn

tuannm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên