MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ doanh nghiệp xin “mua” Đại học An Giang: Phải tuân thủ quy trình

26-08-2015 - 10:51 AM | Doanh nghiệp

Chiều 25/8, UBND tỉnh An Giang chủ trì cuộc họp báo cung cấp thông tin xung quanh việc Tập đoàn Sao Mai (ASM) xin tiếp nhận ĐH An Giang.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết vừa qua Tập đoàn Sao Mai có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương cho tiếp nhận ĐH An Giang để tập đoàn liên kết, kêu gọi một trường ĐH uy tín của Mỹ đầu tư nâng cấp toàn diện đưa trường trở thành một ĐH hàng đầu ở khu vực và cả nước.

UBND tỉnh ghi nhận ý tưởng và hoan nghênh tập đoàn này tham gia xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo, chứ chưa thống nhất cổ phần hóa, hợp tác công tư PPP, hay chuyển giao trường cho Tập đoàn Sao Mai.

“An Giang tuy vẫn được trung ương bao cấp ngân sách, nhưng không phải vì tỉnh nghèo mà phải bán trường ĐH” - ông Bình giải thích.

PV đặt vấn đề dư luận cho rằng Tập đoàn Sao Mai là doanh nghiệp sân sau của lãnh đạo tỉnh nên được ưu ái khi tập đoàn này chưa hề tham gia và có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, nhất là đào tạo ĐH.

Ông Bình khẳng định tập đoàn này là một doanh nghiệp hình thành từ lâu đời, hoạt động đa ngành nghề. Tôi khẳng định Tập đoàn Sao Mai không hề là sân sau của bất kỳ vị lãnh đạo tỉnh nào”.

Trả lời về việc UBND tỉnh có vội vàng khi có văn bản đồng ý về chủ trương giao Tập đoàn Sao Mai tiếp nhận ĐH An Giang, khi chưa thông qua Thường vụ Tỉnh ủy, ông Bình cho rằng đây mới chỉ là kết luận từ buổi làm việc của chủ tịch UBND tỉnh với Tập đoàn Sao Mai.

Theo đó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo một số sở, ngành xem xét nghiên cứu đưa ra phương án, sau đó mới trình Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thông qua, rồi xin phép Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Quy trình thực hiện phải tuân thủ các quy định pháp luật. Trong trường hợp Chính phủ đồng ý thì UBND tỉnh sẽ thông báo mời gọi nhiều đơn vị cùng tham gia công khai, để lựa chọn đơn vị nào có năng lực quản trị và kinh nghiệm đào tạo ĐH, có năng lực tài chính bền vững. Nếu như đã giao cho doanh nghiệp thì giai đoạn đầu Nhà nước vẫn giữ cổ đông chi phối, bởi lĩnh vực giáo dục vốn nhạy cảm” - ông Bình nói.

Ông Võ Văn Thắng, hiệu trưởng ĐH An Giang, cung cấp thêm sau khi có thông tin giao trường cho doanh nghiệp, nhiều cán bộ, công nhân viên của trường rất băn khoăn, hoang mang.

Khi xét tuyển ĐH nhiều phụ huynh nói thẳng nếu như là trường công thì họ cho con nộp hồ sơ, nếu chuyển sang trường tư thì sẽ rút hồ sơ lại.

“Chúng tôi phải ổn định tư tưởng. Ngày khai giảng năm học mới này chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi để sinh viên an tâm” - ông Thắng nói.

Sẵn sàng tiếp nhận ĐH An Giang

Ông Lê Thanh Thuấn, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, đã trả lời Tuổi Trẻ những vấn đề dư luận đặt ra xung quanh việc xin tiếp nhận ĐH An Giang.

Theo ông Thuấn, Tập đoàn Sao Mai vốn đã hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Gần đây qua tư vấn, hợp tác với đối tác ở Mỹ tập đoàn mở rộng thêm qua lĩnh vực y tế, giáo dục.

* Thưa ông, đã ôm đồm nhiều ngành nghề, nhiều dự án còn làm dở dang, tại sao tập đoàn lại “ôm” thêm ngành giáo dục mà mình chưa có kinh nghiệm?

- Số CB-CNV của tập đoàn hiện trên 6.000 người, khi hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề thì nhu cầu nhân lực có trình độ cao càng tăng lên. Qua nhiều năm thực hiện phỏng vấn để tuyển dụng chúng tôi nhận thấy trình độ các cử nhân đào tạo từ các trường ở ĐBSCL, đặc biệt là ở ĐH An Giang rất hạn chế nên phần lớn bị từ chối. Khả dĩ chúng tôi đành tạm tuyển một số rồi đào tạo lại khá tốn kém, thậm chí sau đó gửi một số đi bồi dưỡng, học tập ở nước ngoài.

Chúng tôi day dứt tại sao chất lượng đào tạo ĐH lại thế này. Nhà nước bỏ bao tiền của, công sức mà sản phẩm giáo dục lại như vậy, sinh viên học bốnnăm trời mà kiến thức chuyên môn...quá hạn hẹp. Chúng tôi cũng chạnh lòng lắm, trăn trở lắm, cộng thêm sự tư vấn, cam kết hỗ trợ của đối tác ở Mỹ chúng tôi muốn xây dựng trường ĐH chất lượng cao đào tạo đạt chuẩn quốc tế tại ĐBSCL.

Sau khi có quỹ đất 600ha ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), chúng tôi lên kế hoạch xây dựng bệnh viện cao cấp 100ha, xây dựng một khu ĐHquốc tế trên mặt bằng 200ha, diện tích còn lại là khu dân cư đô thị mới. Chúng tôi nhiều lần nhờ tập đoàn nước ngoài tư vấn việc đầu tư và đã lập đề án chuẩn bị thực hiện.

* Đã thế, sao lại xin tiếp nhận thêm ĐH An Giang?

- ĐH An Giang có cơ sở vật chất tương đối tốt, từ lâu tỉnh khuyến khích tự chủ tài chính nhưng chưa thực hiện được, đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT thì bộ không nhận. Ngân sách tỉnh mỗi năm bù đắp cả trăm tỷ đồng mà chất lượng đào tạo còn hạn chế, ngành học chưa phù hợp, sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều. Tình trạng để kéo dài gây lãng phí lớn.

Chính phủ có nghị định 16/2015/NĐ-CP cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục hoạt động theo cơ chế tự chủ, đồng thời quyết định 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn. Nhân đó chúng tôi xin sẵn sàng tiếp nhận ĐH An Giang.

Nếu ở Cần Thơ thì phải đầu tư mới toàn bộ từ cơ sở hạ tầng, vật chất đến đội ngũ nhân lực. Trong khi ĐH An Giang tất cả đều đã có sẵn, chỉ cần đầu tư, nâng chất thêm để trở thành ĐH quốc tế. Như vậy giảm được khối lượng, thời gian đầu tư.

* Nhưng dư luận cho rằng sở dĩ xin tiếp nhận ĐH An Giang nhằm tới khu đất vàng?

- Theo luật, đất đai là sở hữu toàn dân, sử dụng theo quy hoạch và quản lý của Nhà nước. Đất của trường ĐH không thể thay đổi quy hoạch, tự ý lấy chuyển qua làm khu đô thị, làm nhà ở. Sao Mai hiện có 60 dự án bất động sản tổng diện tích hàng ngàn hecta ở 12 tỉnh, thành. Ngay ở TP Long Xuyên chúng tôi đã có nhiều dự án, thì lao vào “lấy” đất của trường làm gì.

Các trường ĐH trên thế giới thường có diện tích 300 - 400ha, gấp chục lần diện tích hiện hữu của ĐH An Giang. Khi tiếp nhận, với mục đích chuyển thành ĐH quốc tế đúng chuẩn thì diện tích hiện hữu là 40ha của trường là không đủ, chúng tôi dự kiến tìm quỹ đất mở rộng thêm để đạt chuẩn. Do đó không thể nói chúng tôi nhằm...lấy đất ĐH An Giang.

* Nhiều ý kiến cho rằng mở ĐH quốc tế ở An Giang khó thu hút người học, không khả thi?

- Số du học sinh VN đang học ở nước ngoài khoảng 125.000 - 150.000 người, nhiều nhất là ở Úc, Mỹ...Qua nghiên cứu chúng tôi biết hiện có hàng ngàn người ở ĐBSCL đi du học, chứng tỏ nhu cầu học ĐH có chất lượng quốc tế ở vùng này khá lớn. Du học nước ngoài cách xa hàng chục ngàn kilômet, khá tốn kém mà người ta vẫn đi. Vì muốn được đào tạo có chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội, có việc làm.

An Giang không phải là đơn vị hànhchánh trung tâm của ĐBSCL, nhưng xét về không gian mở trong xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu hóa thì TP Long Xuyên có vị trí trung tâm của khu vực tiểu vùng sông Mekong. Nếu ở An Giang có một ĐH quốc tế đúng nghĩa, với sự hỗ trợ của tập đoàn, GS.TS ở Mỹ đào tạo có chất lượng và uy tín thì sẽ thu hút không chỉ thanh niên tạiĐBSCL mà cả nước, thậm chí nhiều nước lân cận đến theo học. ĐH An Giang từng đào tạo nhiều sinh viên cho Lào, Campuchia.

Nếu xây dựng được một trường ĐH đạt chuẩn quốc tế có y tín và chất lượng thì sẽ thu hút đến học.

* Là doanh nghiệpchưa có kinh nghiệm, tham gia đào tạo ĐH liệu có thành công?

- Khi chuyển qua hoạt động thêm ngành nào chúng tôi đều phải học hỏi, nghiên cứu. Sao Mai từng chuyển qua chế biến xuất khẩu thủy sản, du lịch, rồi dịch vụ tài chính...đều đạt kết quả tốt. Yếu tố then chốt đem lại thành công là khả năng quản trị và tiềm lực, Sao Mai có kinh nghiệm, có đội ngũ làm công tác quản trị tốt, cộng với sự cam kết hỗ trợ của chuyên giá nước ngoài chúng tôi tin tưởng sẽ thành công.

* Nếu như được tiếp nhận thì tập đoàn định hướng ĐH An Giang phát triển theo hướng nào?

- Nhờ sẵn có cơ sở vật chất, trường lớp, nhân lực, chúng tôi thay đổi phương thức quản lý, điều hành hoạt động, tăng cường nguồn lực đầu tư cho trường. Hai năm đầu rót 1.000 tỷ đồng, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ, thuê tư vấn thiết lập lại hệ thống, chương trình đào tạo theo chuẩn đại học quốc tế, nâng cao thu nhập để giữ giảng viên giỏi. Về cơ sở vật chất sẽ xây dựng trung tâm thí nghiệm thực hành 100 tỷ đồng. Còn đội ngũ CB-CNVC hiện nay cho nâng cấp, đào tạo thêm để thích ứng, phù hợp.

 

“Tôi cho rằng nếu ĐH An Giang duy trì mô hình hoạt động cũ sẽ tiếp tục gánh nặng cho ngân sách, mà chung quy đó cũng là tiền dân. Chất lượng đào tạo không đáp ứng mà vẫn giữ lối hoạt động, phương thức đào tạo như cũ sẽ gây lãng phí tiền của, nhân lực là có tội với dân” - ông Lê Thanh Thuấn nói.

 

 

 

 

Theo Đ.VỊNH - H.T.DŨNG

Báo Tuổi Trẻ

Trở lên trên