MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Đang chờ sửa luật

29-08-2013 - 10:16 AM | Doanh nghiệp

"Việc xử lý căn cơ tình trạng DN “vắng chủ” thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu sửa Luật Đầu tư năm 2005 vì khi xây dựng Luật Đầu tư 2005 thì chúng ta cũng chưa hình dung hết vấn đề này"

Thời gian gần đây, dư luận “nóng” lên trước thông tin một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn khỏi Việt Nam, để lại nhiều hậu quả về kinh tế và xã hội.

Tại buổi họp báo chính phủ 28/8, trao đổi xung quanh vấn đề chuyển giá, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, không chỉ có DN FDI mà các DN trong nước cũng có hiện tượng vắng chủ. Người đại diện trước pháp luật chịu trách nhiệm về hoạt động của DN, tự nhiên biến mất, nhất là khoảng thời gian cuối năm 2011 đầu năm 2012, thời điểm kinh tế đang đặc biệt khó khăn.

"Khi bị đòi nợ một số các ông chủ DN trốn đi, gây khó khăn rất lớn, không chỉ DN không phá sản được mà cả quyền lợi của người lao động cũng không biết làm sao, không biết thu nhập ra sao", bộ trưởng Đam cho biết.

Hiện tại, Chính phủ mới có chỉ đạo để giúp người lao động ở những DN “vắng chủ” với chính sách hỗ trợ người lao động, dù để đảm bảo cuộc sống như lúc bình thường là khó nhưng hỗ trợ một phần để người lao động vượt qua khó khăn hoặc chuyển việc.

Còn việc xử lý căn cơ tình trạng DN “vắng chủ” thì Chính phủ đã bàn, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa Luật Đầu tư năm 2005 vì khi xây dựng Luật Đầu tư 2005 thì chúng ta cũng chưa hình dung hết vấn đề này

"Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể thì không phải vì chưa có luật mà không xử lý. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, nơi có nhiều KCN, bám sát từng trường hợp cụ thể trên tinh thần làm sao vừa bảo vệ chủ DN, tài sản và đặc biệt là quyền lợi của người lao động", Bộ trưởng Đam nói.

Về việc chuyển giá trốn thuế của một số DN FDI, đại diện văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ nhận được báo cáo từ các bộ chức năng cho biết qua trao đổi như vậy có những dấu hiệu đã được DN giải trình, có dấu hiệu đã được chấn chỉnh. Một số DN báo lỗ nhưng sau khi chấn chỉnh thì đã không còn lỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, vốn FDI và ODA tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký trong 8 tháng ước đạt 12,63 tỉ USD, tăng 19,5%; giải ngân ước đạt 7,56 tỉ USD, tăng 3,8%. Vốn ODA được ký kết đạt gần 4,6 tỉ USD, tăng trên 29%; giải ngân đạt 2,74 tỉ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ.

Quốc Dũng

dungtq

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên