MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh thu của 70 doanh nghiệp bất động sản trên sàn thấp hơn của Vinamilk và PV-GAS cộng lại

27-05-2016 - 10:51 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù kết quả hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có chu kỳ và không ổn định khi xét trong thời gian ngắn, nhưng 70 doanh nghiệp đang tạo ra hơn 1 tỷ USD doanh thu với mức tăng trưởng hơn 90% trong quý I/2016 lại có lợi nhuận sau thuế 1.845 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với quý I/2015.

Tổng doanh thu của 70 doanh nghiệp đạt 23.875,3 tỷ đồng, thấp hơn cả doanh thu của VNM và GAS cộng lại. Dù vậy, VIC vẫn là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất trong số 700 doanh nghiệp đang có cổ phiếu giao dịch trên HOSE, HNX, và Upcom; doanh thu của VIC chiếm khoảng 64% tổng doanh thu của nhóm các doanh nghiệp bất động sản trên 3 sàn.

Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính quý I/2016 các công ty

12/70 doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng lỗ

Thống kê kết quả kinh doanh quý I/2016 của 70 doanh nghiệp bất động sản, có doanh thu bất động sản thường kỳ cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt hơn 90%; lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 4% so với quý I/2015. Nếu loại trừ nhóm doanh nghiệp kinh doanh bị lỗ, bình quân tăng trưởng doanh thu của nhóm có lãi là 91%; và lợi nhuận là 4,6%.

Có 12/70 doanh nghiệp đang bị lỗ, tăng thêm 1 doanh nghiệp bị lỗ so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lỗ ròng trong quý I/2016 là 27,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, quý I/2016 có 2 doanh nghiệp bị lỗ trong khi cùng kỳ trước đó đang có lãi, và 1 doanh nghiệp khắc phục lỗ, hoạt động đã có lãi. PTL, PVL, DLR, ITC, FDC là 5 doanh nghiệp có số lỗ lớn nhất.

CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu Khí (mã PTL) đang lỗ 9,2 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế đến cuối tháng 3/2016 là 177,7 tỷ đồng. PTL giải thích quý I/2016 lỗ là do chi phí lãi vay cao; tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, quý I/2016, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, doanh thu bán hàng của PTL không đủ bù đắp chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp. Năm 2016, PTL đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 93 tỷ đồng, mức lương bình quân của người lao động 11,4 triệu đồng/tháng/người (bằng mức thực hiện của năm 2015).

Xếp sau PTL, là công ty cùng họ dầu khí - CTCP Địa ốc Dầu Khí (mã PVL) với số lỗ trong quý I/2016 là 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty lỗ được giải thích là ảnh hưởng của Thông tư 200. Năm 2016 PVL đặt kế hoạch doanh thu 149,4 tỷ đồng, không có lợi nhuận; thu nhập của người lao động bình quân đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ so với năm 2015.

Trong khi đó, CTCP Địa ốc Đà Lạt (mã DLR) bị lỗ 2,5 tỷ đồng, tăng lỗ so với cùng kỳ năm trước do DLR đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư một số dự án nên chưa phát sinh doanh thu, trong khi vẫn phải chịu chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khấu hao và lãi vay.

2 vị trí lỗ lớn tiếp theo thuộc về 2 “đại gia” bất động sản của TP. Hồ Chí Minh là CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà (mã ITC) và CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (mã FDC). ITC lỗ do lãi gộp không đủ bù đắp chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp; lỗ tăng do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. FDC lỗ là do không có doanh thu bán dự án bất động sản, chỉ có doanh thu cho thuê văn phòng; doanh thu không đủ bù đắp chi phí quản lý doanh nghiệp.

58 doanh nghiệp có lãi, chỉ tăng trưởng lợi nhuận 4,6%

Ở chiều ngược lại, 58 doanh nghiệp có lãi, tạo ra 1.873 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế/lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ. Con số này chỉ bằng 87% lợi nhuận ròng của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

VIC, HAG, FLC, KDH, KBC là 5 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất. Nếu loại HAG ra do tỷ trọng doanh thu bất động sản của HAG thấp, VIC, FLC, KDH, KBC và HQC là 5 doanh nghiệp lớn của ngành bất động sản.

Về lợi nhuận, VIC, SDI, FLC, KBC, KDH là 5 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất, đóng góp 68% lợi nhuận của 58 doanh nghiệp có lãi được thống kê.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty

Kết quả kinh doanh cho thấy Top 5 doanh nghiệp tạo ra lãi lớn nhất đang là “ông lớn” trong các phân khúc bất động sản như VIC với phân khúc bất động sản nhà ở hạng A; FLC đang trở thành ông lớn của ngành bất động sản du lịch; KBC với truyền thống là bất động sản công nghiệp và KDH là bất động sản trung cao. Ngoài ra, NLG là ông lớn lâu năm của bất động sản nhà ở vừa túi tiền; HQC có thể xem làm một ông lớn trong phân khúc nhà ở xã hội.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết trong quý I/2016 tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở xã hội, nhà tái định cư tăng trưởng khá mạnh; phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng mạnh nhất, tập trung vào khu trung tâm, khu đông và khu nam thành phố…

Trong nhóm 10 doanh nghiệp có lãi lớn nhất, mặc dù chỉ có 3 doanh nghiệp lãi giảm 20% (DXG); 40% (KBC) và 81% (HAG); 7 doanh nghiệp còn lại có mức lãi tăng từ 20% (NLG) đến 79% (KDH), nhưng tính chung lợi nhuận chỉ tăng bình quân 5,7%. 10 doanh nghiệp lớn đóng góp đến 80% lợi nhuận toàn nhóm lãi.

25/58 doanh nghiệp có lợi nhuận quý I/2016 giảm so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm bình quân gần 80%.

Xét báo cáo tài chính của các doanh nghiệp cho thấy lãi tăng thấp so với mức tăng doanh thu do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng; đồng thời giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp cũng tăng lên mạnh. Một lý do khác có thể xem là yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản ngoài ảnh hưởng của Thông tư 200 là do chuyển nhượng dự án hoặc nhiều doanh nghiệp bước vào giai đoạn đầu tư dự án mới.

Theo HỒNG QUÂN

Bizlive

Trở lên trên