MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đòi minh bạch hóa thu chi tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là hoàn toàn hợp lý”

06-05-2016 - 20:44 PM | Bất động sản

Liên quan đến nghi vấn “thất thoát thu phí” tại tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thanh và Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đã đồng loạt lên tiếng chia sẻ ý kiến với chúng tôi. Theo đó, các đại diện vận tải này hoàn toàn nhất trí với đòi hỏi “minh bạch hóa” của Cienco1.

“Hoàn toàn tán thành công khai minh bạch”

Ngày 6.5, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam - tỏ ra không quá bất ngờ trước tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa nội bộ các nhà đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ông Thanh nói: “Cái này thể hiện rõ nội bộ các bên có mâu thuẫn với nhau. Tại sao mâu thuẫn với nhau vì không công khai minh bạch, có thế thôi!”.

Ông Thanh không bình luận về con số tổng thu mỗi ngày của dự án được báo cáo là khoảng hơn 1 tỷ đồng/ngày bởi “không có thông tin” nhưng mạnh mẽ nêu ý kiến: “Kiến nghị đã có, đơn từ cũng đã có thì đề nghị các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ cái này, trả lời rõ ràng trước nhân dân, trả lời trước pháp luật. Cá nhân tôi nói riêng và giới vận tải nói chung hoàn toàn tán thành công khai minh bạch vấn đề này”.

Ông Nguyễn Văn Thanh hoàn toàn ủng hộ chuyện minh bạch thu phí tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Ông Nguyễn Văn Thanh hoàn toàn ủng hộ chuyện minh bạch thu phí tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Nói về ý kiến của Cienco1 cho rằng minh bạch được thu chi thì sẽ giảm được thời gian thu phí, vị chủ tịch hiệp hội vận tải Việt Nam cho biết, đây là một đề xuất rất đúng đắn và hợp tình hợp lý.

“Khi đấu thầu dự án BOT, thì phải có đề án nêu rõ tổng mức đầu tư là bao nhiêu, mức thu như thế nào, thời hạn thu ra sao. Sau khi dự án xong làm xong và đi vào thu phí, các cơ quan quản lý phải có nhiệm vụ thanh tra rà soát lại, xem tổng mức đầu tư dự tính có đúng không. Từ đấy mới tính mức thu như thế nào, thời gian thu như thế nào rồi lộ trình tăng phí như thế nào là phù hợp...”, ông Thanh nói.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, trong quá trình các đơn vị tiến hành thu phí thì các cơ quan nhà nước phải thường xuyên thực hiện trách nhiệm quản lý của mình, bởi tất cả các tính toán chỉ là thông tin cơ sở ban đầu, có thể không chính xác.

“Biết đâu tính toán như thế này, nhưng lượng xe phát triển nhanh thì phải kịp thời điều chỉnh, chứ không phải cứ ký hợp đồng rồi thì muốn làm gì thì làm. Tôi xin nhắc lại, đường này là đường của nhà nước, không phải đường của 3 nhà đầu tư. Nhà nước phải giám sát chứ, cơ quan quản lý phải giám sát chứ”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị các dự án BOT nói chung, để có thể minh bạch hóa được việc thu chi, nên nhanh chóng chuyển thành thu phí không dừng, tức là các nhà xe nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và thanh toán thông qua quẹt thẻ.

“Cách thức này các nước văn minh áp dụng từ lâu rồi. Chứ cái kiểu xé vé này không thể công khai minh bạch được đâu. Còn tồn tại thì còn mập mờ thu chi. Thành thử người ta rất sợ công khai minh bạch là vì thế đấy”, ông Thanh cho biết thêm.

“Tôi không lạ”

Cũng liên quan đến câu chuyện đang gây “bão dư luận” này, PV Báo Lao Động đã có buổi trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội. Cũng giống vị quản lý cấp trên, ông Liên tỏ ra khá bình thản cho rằng "không lạ với thông tin trên".

Theo ông Liên, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 1 Pháp Vân - Cầu Giẽ ngay từ khi triển khai thu phi đã có nhiều điều tiếng. Có thể kể đến như công trình chưa xong nhưng đã thu phí. Thứ hai, suất đầu tư đoạn đường không phải làm mới mà thực chất cải tạo trên nền đường có sẵn, cơi nới đường…

Chủ tịch HHVT Hà Nội Bùi Danh Liên
Chủ tịch HHVT Hà Nội Bùi Danh Liên

“Bây giờ nảy sinh việc kiểm đếm phương tiện qua trạm thu phí, ngay trong nội bộ của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng không tin số lượng như báo cáo, tôi nghĩ Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ phải vào cuộc tìm hiểu sự việc làm rõ các vấn đề, để tránh dư luận không tốt đồng thời thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Liên nói.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội vân tải Hà Nội, nếu MPC không có gì khuất tất hoàn toàn có thể để Cienco1 với tư cách cổ đông tham gia cùng quản lý, kiểm đếm phương tiện đi trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Việc làm này sẽ giải tỏa bức xúc nội bộ đồng thời tạo niềm tin cho người dân, dư luận về việc thu phí trên tuyến đường huyết mạch của ngõ phía nam Hà Nội.

Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km, khởi công cải tạo nâng cấp vào ngày 20.7.2015 và hoàn thành giai đoạn I, bắt đầu triển khai thu phí từ ngày 6.10.2015.

Cienco1 là một trong ba cổ đông sáng lập của MPC với số vốn góp là 148 tỷ đồng, chiếm 18% vốn điều lệ. Cổ đông lớn nhất tại dự án có số vốn điều lệ lên tới 823 tỷ đồng này là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (nắm 65% vốn điều lệ, giữ vị trí Tổng giám đốc), cổ đông nữa là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành sở hữu 17%.

Ngày 4.5, trao đổi với PV, ông Đinh Ngọc Đàn - Phó Tổng giám đốc Cienco1 cho biết, từ tháng 1.2016 đến nay, đơn vị ông đã có nhiều đề xuất mang tính thiện chí như đề nghị MPC cung cấp báo cáo tình hình thu phí với mức thu cụ thể theo từng ngày, hoặc cho phép công ty ông thành lập tổ kiểm tra độc lập để cùng tham gia quản lý việc thu phí. Tuy nhiên, mọi đề xuất đưa lên đều bị bác bỏ.

Theo Long Nguyễn - Hoàng Luân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên