MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi thay trong xã hội Trung Quốc: Khi cá nhân lên ngôi

15-08-2016 - 15:20 PM | Tài chính quốc tế

Ngày nay giới trẻ Trung Quốc làm những điều mà họ thích chứ không phải những điều họ được bảo.

Để hiểu rõ quan niệm truyền thống của người Trung Quốc về việc kết hôn, hãy đến thăm công viên Lu Xun ở Thượng Hải. Những tờ quảng cáo giới thiệu về những người đang tìm kiếm cho mình một người bạn đời dán ở khắp nơi.

Tin đăng tìm vợ đặc biệt chú ý đến việc liệt kê các chi tiết về mức thu nhập và nơi đăng ký hộ khẩu, trong khi mẩu tin tìm chồng thì chú trọng miêu tả về ngoại hình của người phụ nữ, và đặc biệt là “không béo”.

Tuy nhiên điều kỳ lạ ở “chợ hôn nhân” này là hầu hết trong số khoảng 300 người có mặt ở đây đều trên 50 tuổi. Cô Wang Xianghua – người đang cố gắng tìm vợ cho đứa con trai 30 tuổi là kỹ sư máy tính của mình – cho biết ngày nay giới trẻ rất “kén cá chọn canh”. Cô cũng nói rằng hiện nay ở thành phố, một chàng trai được kỳ vọng sẽ phải có nhà cửa ổn định thì mới có thể lấy vợ.

Những chia sẻ của cô Wang thể hiện sự thay đổi căn bản đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc. Thế hệ trước nhìn nhận hôn nhân là điều tối cần thiết, nhưng giới trẻ ngày nay cho rằng họ bị làm phiền bởi những lời giục giã về chuyện kết hôn. Giới trẻ cũng muốn có một người bạn đời, nhưng họ không quan niệm đó là chuyện bắt buộc.

Người trẻ Trung Quốc ngày càng đặt cảm xúc của bản thân lên trên kỳ vọng của xã hội. Họ quan niệm vai trò của mình trong xã hội không còn là trách nhiệm phải có một gia đình mà là về quyền của bản thân.

Xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm, xã hội Trung Quốc luôn quan niệm gia đình là hạt nhân cấu thành nên xã hội. Một xã hội an bình sẽ được xây dựng từ những gia đình có nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, mọi người ràng buộc với nhau bởi lòng kính trọng và lễ nghi phép tắc của người trẻ với người già, của người ở với người chủ.

Tuy nhiên đồng hành cùng quá trình đô thị hóa cũng là sự thay đổi mạnh mẽ ở mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Những giá trị truyền thống bị “xé toạc” bởi không còn phù hợp với môi trường hiện đại.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân và bối cảnh xã hội thay đổi hoàn toàn đang biến đổi cách người ta hành xử. Trong quá khứ, kết hôn có lúc trở thành một “hợp đồng kinh tế” giữa hai gia đình, được thiết kế để đảm bảo gia đình chú rể sẽ có người thừa kế. Còn trong xã hội của những đứa trẻ là con một trong gia đình, chúng được coi là trung tâm và mọi thứ đều do chúng quyết định. Yếu tố tình yêu quan trọng hơn nhiều so với yếu tố trách nhiệm.

Có thể nói xã hội Trung Quốc đang có một cuộc cách mạng. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2012, hơn 70% người trẻ Trung Quốc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hơn 40% các cặp đôi sống với nhau trước khi cưới. Ở Thượng Hải và Quảng Châu, tuổi kết hôn trung bình của nam giới là 30 và nữ giới là 28.

Ngày xưa, con cái chỉ ra ở riêng sau khi kết hôn. Còn hiện nay, 58 triệu thanh niên Trung Quốc đang sống một mình và con số còn đang tăng lên.


Tỷ lệ hộ gia đình có nhiều thế hệ sống chung đang giảm xuống, trong khi độ tuổi kết hôn trung bình và tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao.

Tỷ lệ hộ gia đình có nhiều thế hệ sống chung đang giảm xuống, trong khi độ tuổi kết hôn trung bình và tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao.

Tỷ lệ ly hôn cũng tăng cao, thậm chí còn cao hơn ở Úc và phần lớn châu Âu. Ở một số vùng tỷ lệ còn cao hơn cả ở Mỹ. Ở các vùng nông thôn (và thường là những vùng nghèo nhất), có tới hơn 8 triệu cử nhân độc thân. Bên cạnh đó cũng có khoảng 2 triệu nữ giới trên 35 tuổi mà chưa kết hôn. Họ không chỉ gây thất vọng cho những bậc cha mẹ muốn lên chức ông bà mà còn làm phiền lòng các lãnh đạo đất nước – những người quan niệm hàng triệu gia đình hạnh phúc là không thể thiếu để xây dựng một xã hội ổn định.

Ở đâu cũng vậy, thế hệ trẻ thường cho rằng bố mẹ không hiểu gì về mình. Nhưng kết luận này đặc biệt đúng với Trung Quốc bởi thời thế thay đổi quá nhanh. Hầu hết những người trên 50 tuổi vẫn còn nhớ rất rõ về nạn đói, trong khi con cái của họ chỉ biết đến tàu cao tốc và thịt lợn xông khói.

Năm 2013, chàng trai 34 tuổi Zhang Diqi quyết định từ bỏ một công việc nhà nước ổn định ở Bắc Kinh để khởi nghiệp. Quyết định này khiến bố mẹ cậu rất phiền lòng. Zhang cho rằng bố mình chẳng hiểu gì về giá trị của những ý tưởng, trong khi mẹ cậu thì cứ giục giã chuyện lấy vợ trong khi cậu chưa muốn. Zhang cho biết đã 2 năm rồi cậu chưa về thăm nhà dù chỉ mất 2 giờ bay.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân còn ảnh hưởng đến cả cấu trúc kinh tế Trung Quốc. Hàng trăm triệu người đang làm việc cho các công ty nhỏ chứ không phải các tổ chức lớn. Dù Chính phủ Trung Quốc vẫn đang khuyến khích “tinh thần sáng tạo khởi nghiệp” và cổ vũ startup, trong mấy năm gần đây đã có nhiều đơn vị nhỏ được lập ra để quản lý các doanh nghiệp tư nhân và cả doanh nghiệp nước ngoài.

Quan niệm về sự đáng tin cũng thay đổi. Cho đến những năm 1970, những mối quan hệ thực tế vẫn được coi trọng và người ta giữ một thái độ thận trọng với những người xa lạ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các mối quan hệ cá nhân (quanxi) đóng vai trò quan trọng khi làm ăn.

Còn ngày nay, đô thị hóa, nhập cư, công ty tư nhân và chuỗi cung ứng nhanh chóng mở rộng khiến mạng lái quan hệ cá nhân không còn nhiều ý nghĩa như xưa. Hầu hết mọi người sống xa quê hương, làm việc cho các công ty động lập và phụ thuộc vào dịch vụ được cung cấp bởi những người xa lạ.

Đi kèm với đó cũng là sự nổi lên của những vụ bê bối mà bạn sẽ chẳng thể tìm thấy được trong quá khứ: những thứ như thực phẩm bẩn, lừa đảo trên mạng…

Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – trong một bài báo mới đây đã viết rằng những sự kiện này cho thấy đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng và niềm tin trở thành “một thứ hàng hóa khan hiếm”.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên