MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Donald Trump: Khi doanh nhân làm Tổng thống và bài toán xung đột lợi ích

13-01-2017 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

“Đó không phải là cách một chính quyền hoạt động kể từ khi Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật Đạo đức trong chính quyền năm 1978”, Giám đốc văn phòng đạo đức chính phủ Mỹ cho biết.

Tuyên bố tại một cuộc họp báo ngày hôm qua, Tân Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang chuyển giao quyền lực điều hành công ty cho con trai – một kế hoạch "lạc lõng" so với thứ mà các chuyên gia đạo đức gợi ý cho Tổng thống đắc cử nhằm hạn chế những xung đột lợi ích gây ra từ kết quả của mối quan hệ kinh doanh chồng chéo của ông.

Vi phạm Hiến pháp?

Theo Norman Eisen – cựu chuyên gia đạo đức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama, những kế hoạch được Donald Trump đưa ra trong ngày hôm qua sẽ không giải quyết được những xung đột lợi ích tiềm năng của Trump. Ông nhận định rằng khi ông nhậm chức, Trump sẽ xâm phạm điều khoản của Hiến pháp nhằm hạn chế các chính phủ nước ngoài mua sức ảnh hưởng của họ tại chính phủ Mỹ.

Sau đó, Giám đốc cơ quan đạo đức chính phủ Mỹ - Walter Shaub tuyên bố kế hoạch của Trump bằng những cụm từ không chắc chắn. “Đó không phải là cách mà một chính quyền vận hành kể từ khi Quốc hội ban hành Đạo luật đạo đức chính phủ năm 1978 sau hậu quả ngay lập tức của vụ bê bối Watergate”, ông nói tại một diễn đàn viện Brookings tổ chức tại Washington, D.C.

Nhóm chuyên gia đạo đức chỉ trích Trump đến từ cả hai đảng: Richard Painter – cựu trưởng văn phòng luật sư đạo đức chính phủ cho Tổng thống George W. Bush, cũng chỉ trích kế hoạch của Trump trong suốt diễn đàn. Ông nói: “Kế hoạch mà chúng ta nghe được trong ngày hôm nay không tuân thủ đúng luật”. Painter cảnh báo. “Vị Tổng thống tân cử có 9 ngày để sửa chữa vấn đề này”.

Trump hứa hẹn rằng thành công của ông với vai trò là một doanh nhân sẽ trở thành một chính quyền thành công. Một trong số những hệ quả của cuộc bầu cử, Trump đã đối mặt với áp lực giải quyết xung đột lợi ích tiềm năng gây ra bởi các đàm phán kinh doanh của ông.

Chuyển giao quyền lực cho con trai nhưng không thoái vốn

Hôm thứ 4, Trump giải thích “2 người con của ông Don và Eric sẽ vận hành công ty”. Ông bổ sung: “Chúng sẽ làm điều đó với một tư chất rất chuyên nghiệp mà không phải bàn bạc với tôi”.

Sheri Dillon – luật sư đại diện của Trump bổ sung thêm rằng: “Thông qua hợp đồng tín thác, ông đã chuyển nhượng vai trò điều hành và quản lý Trump Organization cho con trai Don và Eric và một giám đốc kỳ cựu của Trump là Allen Wesselberg. Như vậy, Don, Eric và Allen sẽ có quyền quản lý tập đoàn Trump và đưa ra mọi quyết định trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của Trump mà không liên quan bất cứ điều gì đến Tổng thống đắc cử”.

Dillon nói rằng Trump sẽ rút khỏi tất cả các văn phòng và các vị trí khác mà ông nắm giữ trong tập đoàn Trump Organization. Và Trump đã tạo nên “một vị trí mới tại Trump Organization: trưởng cố vấn tuân thủ - người chịu trách nhiệm sẽ đảm bảo rằng công việc kinh doanh của Trump sẽ được vận hành với mức độ minh bạch cao nhất".

Bên cạnh đó, Trump sẽ “tự nguyện quyên góp tất cả lợi nhuận mà chính phủ nước ngoài chi trả cho tập đoàn khách sạn của mình cho Bộ Tài chính Mỹ”, Dillon bổ sung: “Đối với điều này người dân Mỹ sẽ là phía được lợi”.

Tuy nhiên, những kế hoạch đó vẫn chưa thể làm hài lòng những chuyên gia đạo đức chính phủ. Họ muốn Trump sẽ bán toàn bộ tài sản kinh doanh của mình hay gửi chúng vào một quỹ tín thác kín nào đó. Trên lý thuyết, quỹ tín thác kín được thiết lập để tạo ra một hàng rào bất khả xâm phạm giữa người được ủy thác (quản lý) và người gửi tài sản ủy thác.

Bằng cách trao cho con trai và một nhân viên quyền kiểm soát quỹ tín thác, thay vào đó Trump hầu như bảo đảm rằng vùng đệm giữa ông và lợi ích kinh doanh của công ty ông sẽ bị chọc thủng. Mặc dù Trump một mực khẳng định những người con trai sẽ không bàn chuyện kinh doanh với ông, nhưng công chúng Mỹ không thể biết chắc chắn điều đó có diễn ra hay không. Vì các thành viên trong gia đình nắm quyền điều hành tại tập đoàn, Trump vẫn có thể "tình cờ" biết chi tiết các thương vụ kinh doanh diễn ra như thế nào.

Trên tờ Politico, ông Eisen cùng với Painter và giáo sư luật Harvard Laurence Tribe đã chỉ ra tiêu chí đánh giá kế hoạch để Trump hạn chế xung đột lợi ích. Bài báo đưa ra một loạt lời khuyên như “cắt đứt quan hệ với hoạt động kinh doanh của tập đoàn một cách rõ ràng, chứ không chỉ là về cơ cấu tổ chức”, “ủy thác cho tổ chức tín thác kín” và “sử dụng một công ty tín thác độc lập, thay vì là một thành viên của gia đình”.

Đáp lại tuyên bố của Trump ngày hôm qua, Eisen nhấn mạnh rằng Trump đã không tuân thủ những hướng dẫn đạo đức chính phủ trong kế hoạch của mình. “Ông Trump đã không cắt đứt quan hệ hoàn toàn với lợi ích kinh doanh của mình như những người tiền nhiệm đã làm trong 4 thập kỷ trước. Ông ta đã không thành lập một quỹ tín thác hay một tổ chức tương tự mà nhiều chuyên gia đa đảng và văn phòng đạo đức chính phủ đề xuất, giao phó quyền tín thác cho gia đình và một cựu nhân viên thay vì một công ty tín thác độc lập”.

Cũng trong ngày hôm đó, luật sư đại diện của Trump khẳng lên tiếng rằng việc thành lập một tổ chức tín thác kín hoặc bán công việc kinh doanh không phải là một lựa chọn khả thi. “Bán mô hình kinh doanh thứ nhất sẽ không làm mất đi khả năng xảy ra xung đột lợi ích”, cô nói. “Nếu Tân Tổng thống bán thương hiệu, ông sẽ được trả một khoản tiền và bất kể là mức giá như thế nào, nó sẽ là đề tài chỉ trích và soi mói”. Dillon cũng khẳng định: “Bạn không thể nào có một tổ chức tín thác kín hoàn toàn với một mô hình kinh doanh đang hoạt động”.

Bên cạnh những vấn đề đạo đức, Eisen cũng chỉ trích Trump đã không tuân thủ hoàn toàn đạo đức chính phủ về Lương thưởng, rằng Trump chỉ nhắc đến nguồn doanh thu từ hoạt động khách sạn.

Trong khi đại bộ phận người dân Mỹ đang thực sự lo lắng về những xung đột lợi ích mà Trump là nhân vật chính, cuộc họp báo ngày thứ 4 của vị Tân Tổng thống kết thúc một cách lãng xẹt với màn đôi co giữa Donald Trump và cánh phóng viên. Liệu Trump sẽ hoàn toàn từ bỏ lợi ích kinh doanh của mình để làm một Tổng thống “bình thường” như những người tiền nhiệm, hay ông vẫn mang trên mình tấm áo doanh nhân New York?

Anh Sa

The Atlantic

Trở lên trên