MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Donald Trump và chủ nghĩa chống tự do thương mại "phủ bóng đen" lên hội nghị APEC 2016

22-11-2016 - 15:10 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi Tổng thống Obama tại Hội nghị thượng đỉnh APEC nói rằng ông sẽ hỗ trợ chính quyền của Trump và thúc đẩy các thị trường mở, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tại Mỹ cho biết ông sẽ rút khỏi TPP trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại thủ đô Lima Peru trong những ngày vừa qua, lãnh đạo các quốc gia vành đai Thái Bình Dương đã gặp mặt trao đổi về chủ nghĩa hoài nghi thương mại tự do ngày càng gia tăng tại Mỹ và một số nơi khác, bên cạnh cam kết tiếp tục thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia.

Theo đó, các nhà lãnh đạo APEC (khu vực chiếm gần 60% tổng sản lượng quốc nội trên thế giới) đã gửi một thông điệp đến Tổng thống mới đắc cử Donald Trump rằng họ sẽ tiếp tục hướng đến các gói hiệp định thương mại có hoặc không có Mỹ.

“Chúng tôi buộc phải gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới rằng thương mại vẫn tiếp tục đem lại lợi ích”, chủ tịch Peru – Pedro Pablo Kuczynski – cựu chuyên gia kinh tế tại World Bank - cho biết. Ông cũng là người kêu gọi “chủ nghĩa bảo hộ sẽ phải bị loại bỏ”.

Thắng lợi của Donald Trump trở thành chủ đề bao trùm tại Hội nghị thượng đỉnh 21 quốc gia APEC, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico là thành viên. Đây cũng là lần cuối cùng Tổng thống Obama có mặt tại Hội nghị trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng 1.

Cũng trong ngày 20/11, ông Obama đã có buổi nói chuyện với Thủ tướng Úc - Malcolm Turnbull và Thủ tướng Canada – Justin Trudeau. Theo đó, ông Obama nói rằng Mỹ và Úc vẫn sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh vững chắc và bản thân ông cũng sẽ tham gia hỗ trợ chính quyền của Trump. Họ cũng bàn luận về vấn đề nhà nước Hồi giáo IS và thúc đẩy các thị trường mở.

Ông Obama nói: “Chúng ta đã đạt được đồng thuận về quan điểm”. Ông cũng cho biết chính phủ Mỹ và Canada đã đồng ý thúc đẩy thương mại 2 nước trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Trong khi đó tại Mỹ, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lại đổ tội cho các hiệp định thương mại đã cướp mất việc làm của người Mỹ và ông hứa sẽ rút khỏi TPP ngay trong ngày đầu nhậm chức. TPP là một trong những sáng kiến ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Obama mà chưa được thông qua.

Hơn nữa, Trump hứa sẽ từ bỏ NAFTA nếu Canada và Mexico không chấp nhận các điều kiện đàm phán lại. Trump cũng cam kết áp thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc 45% nếu quốc gia này không thay đổi thói quen xuất khẩu hàng hóa mà ông cho là bất công bằng, đe dọa gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Với bề dày nỗ lực loại bỏ hàng rào thương mại để kích thích tăng trưởng nền kinh tế, những chính sách của Donald Trump nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước ngoặt quan trọng đối với nước Mỹ.

Trong khi nhiều lãnh đạo APEC vẫn hy vọng thuyết phục vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ về những lợi ích thương mại tự do đem lại, Trung Quốc khéo léo bày tỏ thiện ý thay Mỹ lãnh đạo nhóm ủng hộ thương mại tự do.

Eric Farnsworth – phó chủ tịch Ủy ban AS/COA – người cũng có mặt tại Hội nghị APEC vừa qua – cho biết: “Tôi nhìn thấy một sự dịch chuyển chiến lược rõ ràng. Tại Lima thực sự tồn tại mối quan ngại sâu sắc về việc Mỹ đang rút chân khỏi vai trò truyền thống”.

Trong khi những đồng minh của Mỹ vẫn đang “nín thở” chờ đợi ngày Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, họ đang trang bị cho mình những giải pháp dự bị.

Thủ tướng New Zealand (thành viên của TPP) – John Key cho biết – hiệp định vẫn có thể tồn tại với “những thay đổi màu mè” để làm hài lòng ông Trump. Bên cạnh đó, TPP không có Mỹ cũng có thể là một lựa chọn khác, ông nói.

“Nếu Mỹ không muốn tham gia vào thương mại tự do, Trump cần phải hiểu rằng các quốc gia khác muốn điều đó. Chúng tôi hy vọng Trump sẽ là một phần của Hiệp định này, nhưng nếu không, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục làm nốt những việc phải làm”.

Peru và Chile – 2 thành viên khác của TPP bày tỏ mối quan tâm đối với việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định bao gồm 16 quốc gia thành viên, trong đó Trung Quốc nắm vai trò lãnh đạo. Peru cũng mong muốn bắt đầu đàm phán thương mại với Indonesia và thắt chặt mối quan hệ với giới chức chính phủ Nga.

Trong một bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết với RCEP và FTAAP, Trung Quốc sẽ nắm nhiều vai trò hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Đại diện phòng Thương mại Mỹ - Michael Froman cho biết: “Có vẻ như khoảng trống mà Mỹ bỏ ra chính là nơi mà Trung Quốc rất muốn cho chân vào. Thế giới đang bắt đầu nhìn thấy điều đó”.

Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cho biết Mexico sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ. Năm ngoái, 89% kim ngạch xuất khẩu của Mexico đến từ sản xuất. Con số này năm 1985 chỉ là 38%. Tại Lima, ông đã gặp Thủ tướng Canada và nói rằng: “Đừng để bị phân tán. Chúng ta không muốn bị cô lập”.

Anh Sa

WSJ

Trở lên trên