MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2019 đằng sau những con số kỷ lục?

Động lực tăng trưởng 2019 đến từ các năng lực sản xuất mới khi 2,9 triệu m2 sàn xây dựng, chung cư được hoàn thành và một loạt các nhà máy đưa vào khai thác...

"Chính thành tự tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019", Vụ trưởng Thống kê Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê Dương Mạnh Hùng khẳng định tại buổi họp báo công bố chỉ số kinh tế xã hội chiều 27/12.

Năm 2018 khép lại với những con số thống kê kỷ lục. Tăng trưởng 7,08% cao nhất kể từ năm 2008, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 7,2 tỷ USD và giải ngân vốn FDI ở mức 19,1 tỷ USD...

Ông Dương Mạnh Hùng cho biết, năm 2018, nhìn chung đời sống nhân dân được cải thiện. Số liệu thống kê cho thấy 32/63 tỉnh thành phố đời sống dân cư cải thiện, 31 tỉnh còn lại đời sống dân cư ổn định.

Trả lời câu hỏi về động lực cho năm 2019, ông Hùng cho hay những động lực tăng trưởng năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì cho năm 2019. Tuy nhiên trong năm 2019 có thêm các động lực tăng trưởng mới.

Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2019 đằng sau những con số kỷ lục? - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nền kinh tế tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới. Năm 2019 sẽ hoàn thành thêm 2,9 triệu m2 sàn xây dựng, nhà ở chung cư. Bên cạnh đó, 3 nhà máy nhiệt điện, công nghiệp chế biến chế tạo cũng bổ sung nhiều năng lực mới như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, luyện cốc gang thép Formosa, sản xuất hóa chất Đạm Cà Mau và rất nhiều năng lực mới sẽ được hoàn thành, đi vào sản xuất năm 2019. Đây là những động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019.

Bổ sung thêm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, động lực tăng trưởng cho năm 2019 sẽ đến từ cải cách thể chế, tận dụng các FTA đã ký và nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân.

Trong năm 2018, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam vẫn tận dụng tốt để xuất khẩu đặc biệt trong các ngành da giày, dệt may, các sản phẩm thủy sản. Ông Lâm cho rằng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới sẽ là bước tận dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2019.

Ngược lại, độ mở nền kinh tế lớn, lên tới hơn 200% GDP năm 2018 cũng sẽ là thách thức đối với Việt Nam trong năm tới. Kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào xuất khẩu và thương mại toàn cầu.

Trong năm 2019, các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm. Đây sẽ là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù vậy, lãnh đạo Tổng cục Thống kê tin tưởng với chính sách Việt Nam trong những năm qua và các động lực từ FTA, tìm kiếm thị trường mới sẽ là một trong những giải pháp khắc phục cho kinh tế năm 2019.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên