MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực tăng trưởng ASEAN: Nội lực hay ngoại lực là nhân tố chính?

Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới trong thập kỷ vừa qua. Bước sang năm 2020, khu vực này dự báo sẽ tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Sự gia tăng mạnh của tiêu dùng khu vực tư nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như các chính sách tiền tệ kích thích tăng trưởng ở một số quốc gia chính là những nhân tố đang thúc đẩy Đông Nam Á vươn lên mạnh mẽ.

Một động lực quan trọng khác cho sự tăng trưởng đáng kể của ASEAN trong thập kỷ qua đến từ việc xúc tiến quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân chính là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm qua, với giá trị hàng hóa trao đổi thương mại giữa hai bên lên tới 292 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019.

Các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đang góp phần cải thiện kết nối hạ tầng đường bộ, đường sắt và hàng hải. Điều này giúp tăng cường dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN.

Tính từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, tổng giá trị GDP danh nghĩa của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã tăng gấp đôi. Cụ thể, GDP của ASEAN đã tăng từ 1,6 nghìn tỷ USD trong năm 2009 lên ước tính khoảng 3,2 nghìn tỷ USD trong năm 2019. Con số này thậm chí còn lớn hơn quy mô GDP của nền kinh tế Ấn Độ hay Anh, Pháp.

Động lực tăng trưởng ASEAN: Nội lực hay ngoại lực là nhân tố chính? - Ảnh 1.

Tổng dân số của ASEAN đã lên tới 622 triệu người, khiến khu vực này trở thành một trong những thị trường tiêu dùng quan trọng bậc nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, chiếm khoảng một phần ba tổng giá trị GDP, không khó để thấy được sự tăng trưởng mạnh mẽ của Indonesia trong thập kỷ qua là nhân tố chính thúc đẩy sự mở rộng đáng kể quy mô tổng GDP của ASEAN.

Ngoài Indonesia, hai nền kinh tế đạt nhiều bước tiến lớn khác là Phillipines và Việt Nam cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của khu vực.

Mặc dù ngành xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong năm 2019, cũng như sự suy thoái của ngành điện tử toàn cầu, nhưng đà tăng trưởng của ASEAN nói chung vẫn khá mạnh mẽ. Điều này được củng cố bởi sự gia tăng mạnh của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Triển vọng kinh tế năm 2020 vẫn sẽ là tiếp tục có sự mở rộng giao thương trong khu vực ASEAN bất chấp một số khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu. Một số nhân tố chính sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng trong năm tới có thể kể đến như:

Thứ nhất, sự sụt giảm đáng kể của giá dầu thế giới kể từ tháng 5 năm ngoái đã giúp giảm áp lực lạm phát. Điều này cho phép một số ngân hàng trung ương trong khu vực giảm bớt lệ thuộc vào chính sách tiền tệ.

Động lực tăng trưởng ASEAN: Nội lực hay ngoại lực là nhân tố chính? - Ảnh 2.

Thứ hai, nhiều chính phủ ASEAN đang tích cực tăng chi tiêu cho các chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng. Một ví dụ dễ thấy nhất chính là chính sách tăng cường xây dựng hạ tầng ở Phillipines dưới thời chính quyền của Tổng thống Rodrigo Durterte. Indonesia cũng đã lên kế hoạch tăng chi tiêu đáng kể cho hạ tầng công cộng vào năm 2020.

Thứ ba, thu nhập hộ gia đình ở một số quốc gia đông dân trong khu vực như Indonesia, Việt Nam hay Phillipines ghi nhận mức tăng nhanh trong thời gian qua và dự kiến tiếp tục tăng hơn nữa vào năm 2020. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong khu vực.

Thứ tư, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 dự kiến ký kết trong tháng này được dự báo sẽ giúp ổn định triển vọng tăng trưởng xuất khẩu. Bởi việc cải thiện tình hình xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho các đơn đặt hàng hàng hóa trung gian và nguyên liệu từ chuỗi cung ứng sản xuất châu Á.

Sự tăng trưởng nhanh chóng, bền vững của ASEAN đã góp phần thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực lên mức kỷ lục 155 tỷ USD trong năm 2018, tăng mạnh so với mức 147 tỷ USD năm 2017. Mức tăng trên có được là bởi sự liên kết đầu tư trong khu vực và gia tăng dòng vốn đầu tư từ Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Mặc dù lượng vốn FDI đổ vào ngành dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng ngành sản xuất đã có mức tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 năm, từ 22 tỷ USD năm 2016 lên 55 tỷ USD năm 2018.

ASEAN tiếp tục được dự báo là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới. Tổng GDP khu vực dự báo sẽ tăng từ 3,2 nghìn tỷ USD năm 2019 lên khoảng 7,6 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Đến năm 2030, tổng GDP của ASEAN dự báo sẽ vượt đáng kể GDP của Nhật Bản, với khoảng 7,1 nghìn tỷ USD. Điều này sẽ khiến ASEAN trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới đối với các công ty đa quốc gia trong nhiều loại ngành sản xuất và dịch vụ.

Hoàng Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên