MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn 105.000 tỷ đồng đổ vào Lạng Sơn

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn diễn ra hôm nay (30/9), Thủ tướng yêu cầu tỉnh sau khi ký kết các thoả thuận hợp tác với số vốn hơn 105.000 tỷ đồng, cần cùng với các nhà đầu tư bắt tay vào công việc, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án được ký kết. Nhà đầu tư cần giữ lời nói đi đôi với việc làm.

Nói về tình hình kinh tế - xã hội của Lạng Sơn, Thủ tướng nêu một số đặc điểm thay đổi lớn của tỉnh trong thời gian qua. Trước kết, kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ, đồng đều, toàn diện. Đời sống người dân được nâng lên rõ nét. Trong phát triển, tỉnh đã chú ý lồng ghép hài hòa chính sách kinh tế với xã hội và môi trường.

Thứ hai, tỉnh đã phối hợp tốt với Bộ GTVT, nhà đầu tư để làm tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km, từ đó tạo điều kiện quan trọng để thu hút phát triển.

Thứ ba, là tỉnh có hơn 200 km biên giới, Lạng Sơn đã giữ gìn, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Thứ tư, môi trường đầu tư của Lạng Sơn không ngừng được cải thiện. Thứ năm, bộ mặt thành phố Lạng Sơn, các địa phương đều thay đổi lớn.

Thủ tướng trước hàng  trăm nhà đầu tư đã chỉ ra một số lợi thế kinh tế để tạo dòng chảy thương mại-đầu tư vào Lạng Sơn rõ hơn, trong đó, nhấn mạnh vào kinh tế cửa khẩu và du lịch.

Bên cạnh đó, ông cũng nhận định Lạng Sơn có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc nhưng điều quan trọng phải có sản lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu thị trường chứ không phải chỉ nhỏ giọt vài chục tấn.

"Tiềm năng chúng ta đã có sẵn, điều quan trọng là cần đến các nhà đầu tư để chế biến sâu, nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm của địa phương đến với khách hàng, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và phục vụ nhu cầu thị trường trong nước", Thủ tướng chỉ rõ.

Nêu một số định hướng phát triển cho tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh cần một nền kinh tế mạnh bởi không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh.

Theo đó, Lạng Sơn phải cùng với cả nước góp phần vào chiến lược này. Lạng Sơn cần đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới tạo ra hành lang kinh tế phát triển mạnh, dọc tuyến biên giới. Chính phủ và các bộ, ngành quyết tâm hợp sức hỗ trợ cùng với Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới thực hiện mục tiêu này.

Lạng Sơn cần tập trung nguồn lực, kể cả ngân sách, vốn đầu tư, chính sách, con người cho phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột kinh tế. Đó là kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững và nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Với các khu kinh tế cửa khẩu thì cần tập trung xây dựng hạ tầng thương mại, logistics, phục vụ luân chuyển hàng hóa các địa phương trong cả nước.

Quy hoạch và đầu tư phải có tầm nhìn xa và với quy mô đủ lớn để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tạo ra khả năng lan tỏa…

Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Lạng Sơn và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết bản ghi nhớ về xây dựng chính quyền điện tử, lưu ý cần làm sao ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực, từ xuất xứ hàng hóa đến thanh toán điện tử và thủ tục hành chính cho người dân thuận lợi nhất. Tỉnh cần có chính sách thu hút người dân đến làm việc tại khu vực kinh tế cửa khẩu, biên giới.

Theo Thủ tướng, vừa qua nhiều địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư, đưa các nguồn vốn ký kết tại hội trường vào cuộc sống, vì thế, năm nay, vốn đầu tư xã hội chiếm tới 34% GDP. 

Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn sau đợt xúc tiến với số vốn hơn 105.000 tỷ đồng này, cần cùng với các nhà đầu tư bắt tay vào công việc, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án được ký kết. Nhà đầu tư cần giữ lời nói đi đôi với việc làm. Về phía Chính phủ, sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, môi trường vĩ mô thuận lợi nhất để tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư thành công.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên