MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn ngoại tỷ USD vẫn đang ồ ạt rót vào bất động sản Việt Nam

12-05-2019 - 08:52 AM | Bất động sản

Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực đầy tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Những tháng đầu năm 2019, lĩnh vực này tiếp tục thu hút được lượng vốn lớn.

Trong những năm qua thị trường BĐS Việt Nam luôn sôi động, ngày càng có các dự án tầm cỡ được đầu tư xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn. Hoạt động M&A cũng diễn ra rất sôi động. Trong đó, có hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài rót vào các dự án BĐS tại Việt Nam. 

Nhiều thương vụ lớn trong năm 2018 được các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Chẳng hạn như thương vụ Nomura Real Estate Development mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng hạng A Sun Wah có vị trí đắc địa ở quận 1, TP. HCM đầu năm 2018, CVH Nereus Pte. Ltd., công ty con của Tập đoàn CapitaLand mua lại 99,5% Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ, khoảng 685 tỷ đồng (công ty này sở hữu khu đất 9.000m2 tại Tây Hồ, HN);

CapitaLand đã thông qua các công ty thành viên mua lại 86 triệu cổ phần tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần BCLand, với tổng số tiền bỏ ra 1.380 tỷ đồng, Frasers Property của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thoả thuận mua 75% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Khang, đơn vị này cũng đã mua lại Phú An Điền (một thành viên của công ty Trần Thái) trị giá 47,3 triệu USD;

Nhà đầu tư Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad đã hợp tác với Nam Long thực hiện một loạt dự án của đơn vị này như Fuji Residence, Kikyo Residence, Mizuki Park, Akira City...Tập đoàn Alpha King cũng đã thâu tóm một loạt dự án đất vàng tại trung tâm TP.HCM...

Có thể thấy, dòng vốn ngoại trong hơn 1 năm qua tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào BĐS Việt Nam. Theo thống kê của tổng cục thống kê, trong năm 2018 đã có khoảng 6,5 tỷ USD được đăng ký đầu tư vào các dự án BĐS từ các nhà đầu tư ngoại. 

Những dự án đáng chú ý gồm: Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội (4,14 tỷ USD) do Sumitomo Corporation Nhật Bản đầu tư; Dự án Laguna tại Huế điều chỉnh tăng vốn 1,12 tỷ USD từ nhà đầu tư Singapore; Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Vũng Tàu (1,2 tỷ USD) do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng trong quý I/2019, Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Số vốn này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán sáp nhập (M&A) các dự án.

Những tháng đầu năm 2019, bất động sản vẫn tiếp tục là lĩnh vực thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là thị trường TP.HCM. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2019, TP.HCM thu hút 2,37 tỷ USD vốn FDI, trong đó bất động sản là ngành có vốn đầu tư nhiều nhất với 46,8%.

Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố có 8.419 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 45,39 tỷ USD.

Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 2,37 tỷ USD (tăng 46,1% so với cùng kỳ).

Trong đó, có 363 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Những dự án này đến chủ yếu ở Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố cấp 07 dự án; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cấp 01 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 355 dự án. Với tổng vốn đầu tư đạt 351,66 triệu USD (tăng 18,6% số dự án cấp mới và bằng 88% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (46,8%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam hiện chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất quan tâm đến tài sản tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khách sạn nằm ở khu trung tâm; nhóm thứ hai tập trung hướng đến việc phát triển nhà ở. Họ phối hợp với các nhà đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để xây dựng chung cư hay khu biệt thự.

Nhật Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên