MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột phá của Liên Hiệp Quốc: dùng blockchain để chống nạn buôn bán trẻ em

20-11-2017 - 20:15 PM | Tài chính quốc tế

Những người yêu thích bitcoin không phải là cộng đồng duy nhất trên toàn cầu đi tiên phong trong công nghệ blockchain.

Liên Hiệp Quốc cũng đang mở rộng những chương trình thử nghiệm sổ cái phân phối của mình, từ các chương trình cung cấp thực phẩm và viện trợ nhân đạo dành cho người tị nạn ở Trung Đông cho đến một hệ thống nhận dạng công nghệ cao nhắm đến mục tiêu hạn chế nạn buôn bán trẻ em.

Trẻ em không có giấy khai sinh có thể đặc biệt “dễ bị tổn thương” trước những kẻ buôn người, vì thế Liên Hiệp Quốc đang hợp tác với mạng lưới nhận dạng thế giới để tạo ra một hệ thống nhận dạng dựa trên blockchain dành cho những đứa trẻ không có giấy tờ tùy thân. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, gần phân nửa trẻ em trên thế giới dưới 5 tuổi hiện không có giấy khai sinh.

“Một vài quốc gia đang phát triển đang chủ động xem xét những cách hiệu quả hơn để ngăn nạn buôn bán trẻ em. Sự nhận dạng luôn ở trung tâm của giải pháp này”, Mariana Dahan, CEO của WIN, phát biểu trong một cuộc họp báo. Chương trình thử nghiệm này sẽ bắt đầu ở Moldova, một trong những điểm nóng của nạn buôn người ở châu Âu. Trung tâm của Tổ chức di cư quốc tế ở Moldova đã giúp cung cấp chỗ ở cho hơn 166 nạn nhân trẻ em từ năm 2001 đến 2008, bên cạnh hàng ngàn người trưởng thành là “con mồi” của những kẻ buôn người.

“Là một đứa trẻ nghèo lớn lên ở Moldova và phát hiện ra mình đang sống trên đường phố khi còn rất nhỏ, tôi biết rằng không được bảo vệ, đói ăn, nguy hiểm luôn rình rập là như thế nào. Chung tay nhau, chúng ta có thể giúp chính phủ Moldova giải quyết một trong những tội ác lớn nhất chống lại nhân loại: buôn người”, Dahan viết trên Facebook.

Hiện có nhiều công ty, như 2 startup Civic và Blockstack, đang xem xét những cách mà các hệ thống nhận dạng kĩ thuật số có thể giúp ngăn chặn tội ác lẫn thủ tục hành chính nhiêu khê. Những tấm căn cước kĩ thuật số này hầu như không thể làm giả. Chúng có thể được kết nối thường xuyên với các dữ liệu sinh trắc học, như dấu vân tay. Đó là cách mà chương trình thử nghiệm nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã làm, bằng cách nối thẻ căn cước dựa trên blockchain của người tị nạn với một máy quét mắt để bảo rằng sự trợ giúp đến đúng người mà họ dự định giúp đỡ.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, hệ thống nhận dạng Aadhaar dựa trên blockchain đang vượt qua những thách thức liên quan tới những khoảng cách về tình trạng biết chữ, sự phân bố dân cư ở nông thôn và các nguồn dữ liệu đa dạng. Quỹ Decentralized Identity Foundation, được thành lập hồi đầu năm nay, cũng có sự góp mặt của những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và IBM. Tuy nhiên, Sheila Warren, người đứng đầu bộ phận blockchain và công nghệ sổ cái phân phối của Diễn đàn kinh tế thế giới, vẫn nghĩ rằng sẽ mất vài năm để loại công nghệ blockchain mới mẻ này đi từ thử nghiệm sang các ứng dụng thân thiện với người dùng rộng rãi hơn.

“Tôi cảm thấy rất tin tưởng rằng chúng ta sẽ thấy công nghệ blockchain ở khắp mọi nơi. Cho dù bạn có đang dùng nó để bảo đảm rằng lao động trẻ em không được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa, giao hàng, bán hàng, đào kim cương, hay bất kì thứ gì mà bạn có thể gọi là một chuỗi cung cấp, thì hiện cũng có nhiều ứng dụng của công nghệ này trong quyền con người”, Warren nói với thời báo IBT.

Everledger, một startup chuyên về blockchain ở Luân Đôn của nữ sáng lập Leanne Kemp, hiện đã có một mạng lưới blockchain theo dấu hơn 1,6 triệu viên kim cương khi chúng được di chuyển từ nước này sang nước khác. Các hệ thống này hoạt động tốt nhất đối với những người dùng và sản phẩm có các đặc điểm duy nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hệ thống này của công ty WIN sẽ vượt qua những thách thức “có một không hai” trong quá trình làm việc với trẻ em như thế nào, vì có lẽ trẻ con sẽ không thể nhớ nổi các khóa riêng tư (private key) hay biết cách đồng bộ hóa tấm căn cước kĩ thuật số với một chiếc điện thoại di động.

Những công cụ nhận dạng có thể giúp cho các nạn nhân bị cô lập vì lo lắng về sự đáng tin trong câu chuyện của họ hay các rào cản ngôn ngữ trở nên tự tin. Các hệ thống blockchain cũng có thể làm rõ những mẩu chuyện có vấn đề trước khi bất kì ai chính thức báo cáo chúng. Công ty tư vấn Grant Thornton đã xuất bản một danh sách chi tiết về các yêu tố thường có tương quan với những hoạt động buôn người, trong đó có thói quen đi lại và phương thức thanh toán. Đầu tháng này, tòa thánh Vatican công khai khuyến khích các cơ quan thực thi luật pháp tìm hiểu nhiều hơn về các đồng tiền mã hóa để những kẻ buôn người sẽ không thể che giấu hành vi của chúng thông qua những đồng tiền kĩ thuật số như bitcoin.

Tổ chức lao động quốc tế ước tính nguồn lao động bị ép buộc hàng năm mang lại 150 tỉ USD lợi nhuận bất hợp pháp, bằng cách bóc lột 21 triệu người đang bị bắt làm nô lệ trên toàn thế giới, mà hàng triệu trong số đó là trẻ em.

Khi nói đến trẻ em, một hệ thống nhận dạng dựa trên blockchain có thể giúp tự động báo cáo các chuyển động của chúng từ biên giới sang biên giới khác, ngay cả nếu chúng quá nhỏ không thể tự báo động được. “Cộng đồng blockchain hiện có cơ hội trở thành một tài nguyên vô giá với Liên Hiệp Quốc và các đối tác của chúng ta, vì những ứng dụng sáng tạo, có tác động lớn có thể làm tăng tốc các phản ứng nhân đạo của chúng ta”, Salem Avan, giám đốc phụ trách dịch vụ toàn cầu của UN-OICT, phát biểu.

Lê Thanh Hải

Ibtimes

Trở lên trên