MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dragon Capital tìm “hàng mới”: Bất động sản tầm trung với CEN Land, Hải Phát Invest, MB Land, Sơn Kim…?

"Các doanh nghiệp cỡ vừa có nhiều cơ hội để vươn lên trong những tới – điều này nằm trong xu thế ngày càng cô đặc về thị phần của ngành bất động sản" - đại diện quỹ đánh giá.

Không công bố rộng rãi, vào một ngày tháng 12/2017, 2 quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital đã ký kết thỏa thuận làm cổ đông chiến lược với CTCP Bất động sản Thế kỷ (Cen Land) – công ty thành viên phụ trách bán hàng của Tập đoàn CENGROUP.

Cũng trong tháng 12, tại Hà Nội, Dragon Capital đã ký kết Hợp đồng đầu tư và chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) với tỷ lệ cổ phần tham gia là 15% vốn điều lệ.

Không chỉ CEN Land và Hải Phát, theo một nguồn tin, Dragon Capital đã mua khoảng 5% cổ phần của CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) khi doanh nghiệp này lên niêm yết trên sàn Hà Nội. Mục tiêu đầu tư không dừng lại ở đó. Quỹ ngoại do ông Dominic Scriven điều hành cũng đang nhắm tới cổ phần của một số công ty bất động sản khác có kế hoạch IPO trong năm nay như MB Land và Sơn Kim Land.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital cho hay, từ năm 2014 đến nay, khi những thương vụ IPO và thoái vốn lớn nhất diễn ra, Dragon Capital đã đầu tư vào Novaland (NVL), Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE) hay Viglacera (VGC).

Dragon Capital cũng là cổ đông lâu năm của Đất Xanh Group (DXG) – doanh nghiệp được coi là "ông trùm" trong lĩnh vực môi giới bất động sản và Khang Điền (KDH)– một doanh nghiệp tên tuổi trong ngành bất động sản.

Nhưng nếu như Novaland, Khang Điền hay Đất Xanh thuộc lớp doanh nghiệp top trên theo quy mô tài sản và vị thế trong ngành thì Cen Land, Hải Phát, MB Land, Sơn Kim… thuộc lớp doanh nghiệp "nhóm 2" với quy mô cỡ vừa.

Thành lập từ năm 2002, CEN Land là tên tuổi khá nổi trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Theo thông tin trên website, trung bình mỗi năm, CEN Land phân phối hơn 1 vạn sản phẩm.

Về phần Hải Phát Invest, với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.000 tỷ đồng, đây là doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng khu vực phía Tây Nam Hà Nội với các dự án lớn như Khu đô thị Tân Tây Đô, Khu nhà ở đô thị The Vesta - Phú Lãm, Tổ hợp The Pride, Dự án CT2-105 Usilk City (đổi tên là Dự án HPC Landmark 105), Tổ hợp Roman Plaza... và các dự án khác tại nhiều tỉnh thành.

Việt Nam đang đón nhận dòng vốn rất lớn từ nước ngoài. Đối với riêng Dragon Capital, việc tiếp nhận dòng vốn ủy thác mới cũng đặt ra cho họ bài toán tìm "hàng mới" để đầu tư.

Còn về phía các doanh nghiệp bất động sản, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán cùng thị trường bất động sản trong năm qua là "thiên thời" để họ có thể tăng vốn thông qua chào bán cổ phần ra công chúng và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược để giảm bớt vốn vay ngân hàng.

Trả lời câu hỏi về xu hướng đầu tư nói trên của Dragon Capital, ông Nguyễn Anh Tuấn nói: "Gần đây các thương vụ diễn ra chủ yếu ở Hà Nội với xu hướng các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang chuyển mình để trở thành những tên tuổi mới".

Theo Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital, thị trường bất động sản trung cấp ở Hà Nội hiện đang rất phân mảnh và chưa nhiều tên tuổi lớn. Trong khi đó tại TP.Hồ Chí Minh, phân khúc trung bình đã bắt đầu định hình với Đất Xanh, Nam Long, Khang Điền hay Hưng Thịnh. Dragon Capital tin tưởng rằng thị trường Hà Nội cũng sẽ đi theo xu hướng này và Hải Phát, Văn Phú, CEN Land có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường. Đây cũng là cơ hội để quỹ ngoại này đa dạng hóa danh mục tới thị trường bất động sản miền Bắc vốn còn nhiều tiềm năng nhưng lại có ít doanh nghiệp tốt trên sàn.

"Các doanh nghiệp cỡ vừa có nhiều cơ hội để vươn lên trong những tới – điều này nằm trong xu thế ngày càng cô đặc về thị phần của ngành bất động sản." – ông Tuấn đánh giá. Theo đó, người mua nhà ngày càng khắt khe hơn sẽ giúp sàng lọc những doanh nghiệp yếu và nhường lại thị trường cho các doanh nghiệp bài bản. Ngoài ra việc gia tăng quỹ đất ngày càng khó do giá tăng nhanh và có sự tham gia quyết liệt của các chủ đầu tư nước ngoài. Điều này khiến những doanh nghiệp yếu về vốn cũng sẽ dần bị đảo thải. Chính vì vậy các doanh nghiệp cỡ vừa có thương hiệu, chiến lược bài bản và sức khỏe tài chính tốt sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh.

Ngoài những cái tên kể trên, nhiều doanh nghiệp Bất động sản khác cũng thông tin sẽ lên sàn để tìm cơ hội nâng cao năng lực tài chính. Có thể kể đến như Xuân Mai Corp – doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng với các dự án nhà ở xã hội từng chào tạm biệt sàn chứng khoán vì kết quả kinh doanh thua lỗ - cũng lên kế hoạch trở lại sàn niêm yết bởi sự khởi sắc tích cực trong hoạt động kinh doanh.

Trong những dòng tin tức mới nhất, Tập đoàn C.T Group cho biết sẽ chính thức niêm yết Tổng công ty thành viên là CT Land vào năm nay và phát triển mạnh các dự án trên quỹ đất hơn 1.000 ha.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên