MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án BĐS "trùm mền" làm nóng nghị trường Tp.HCM

07-08-2016 - 10:51 AM | Bất động sản

Thời gian qua, có những quy hoạch kéo dài đã trở thành rào cản cho sự phát triển chung của TP.HCM. Chính vì vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại những dự án treo. Nếu dự án nào không khả thi thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch 1/2000.

Được biết, cuối năm nay, TP.HCM sẽ hoàn thành việc rà soát này. Đối với các dự án kéo dài, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên & Môi trường rà soát và có 2 hướng xử lý: dự án nào kéo dài mà có lý do chính đáng thì bổ sung; dự án nào kéo dài mà không hiệu quả, ảnh hưởng người dân sẽ bị thu hồi.

Tại kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM khoá IX vừa diễn ra ngày 5/8, nhiều đại biểu bức xúc đề nghị làm rõ việc một số công ty yếu kém về năng lực, chậm trễ trong việc thực hiện các dự án, và băn khoăn trước tờ trình xem xét việc thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, việc thu hồi đúng mục đích không, chủ đầu tư năng lực như thế nào, họ có đủ năng lực để thực hiện không hay chỉ “xí đất” rồi quy hoạch treo...

Đại biểu Trương Lâm Danh dẫn chứng cụ thể về trường hợp Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI). Đây là chủ đầu tư 2 dự án Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo và KCN Lê Minh Xuân mở rộng với quy mô thu hồi đất gần 500 ha.


ĐB Trương Lâm Danh băn khoăn: Doanh nghiệp bầy hầy có nên giao tiếp dự án mới. Ảnh: Báo Người Lao Động

ĐB Trương Lâm Danh băn khoăn: "Doanh nghiệp bầy hầy có nên giao tiếp dự án mới". Ảnh: Báo Người Lao Động

Theo đại biểu Danh, BCCI thời gian qua được giao rất nhiều dự án nhưng khi triển khai dự án thì rất chậm. Cụ thể như dự án ở khu phố 7, phường Bình Trị Đông B đã quy hoạch công viên suốt 15 năm nay chưa thực hiện được. Công ty này cũng có tới 9 dự án chưa bồi thường xong. Nhiều dự án chưa hoàn thành các hạng mục như cơ sở y tế, trường học…

Được biết, tính đến tháng 6/2016, BCCI vẫn còn nợ 13 công trình công cộng, 18 hạng mục công viên cây xanh chưa hoàn thành.

Theo tìm hiểu, các dự án được UBND thành phố giao đất cho BCI làm chủ đầu tư tính từ thời điểm trước (từ năm 1997) và sau khi cổ phần hóa là 24 dự án (huyện Bình Chánh có 2 dự án, khu Nam có 4 dự án và quận Bình Tân có 18 dự án). Trong đó, tổng diện tích đất được giao là 3.996.034m2, với tổng vốn đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, BCI được giao 1 dự án riêng lẻ để đầu tư xây dựng cụm chung cư cao tầng – dự án cao ốc An Lạc tại quận Bình Tân; 1 dự án đang trong giai đoạn triển khai thủ tục lập dự án đầu tư là dự án khu dân cư số 1 tại huyện Bình Chánh; 22 dự án được giao để đầu tư xây dựng khu dân cư. Tổng số nền nhà và căn hộ sẽ cung cấp cho thành phố trong tương lai là 22.048 nền nhà/căn hộ.

Chính sự chậm trễ của chủ đầu tư nói trên, ông Danh đặt ra câu hỏi, liệu thành phố có nên tiếp tục giao dự án cho những chủ đầu tư bầy hầy, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân?

Nói về trường hợp của BCCI, Phó chủ tịch Tp.HCM Lê Văn Khoa cho rằng băn khoăn của đại biểu Danh là đúng, và cho biết thêm “Công ty Khang Điền đã mua cổ phần của BCCI, chiếm 4/7 thành viên hội đồng quản trị. Công ty Khang Điền (KDH) đang kế thừa quyền lợi và cũng đã đóng trước một số tiền. Nếu dự án không triển khai đúng tiến độ thì TP.HCM sẽ thu hồi số tiền đó theo quy định. Điều này cho thấy quyết tâm của Công ty Khang Điền”.

Qua tìm hiểu, được biết hồi tháng 12/2015 KDH đã mua vào 32 triệu cổ phiếu BCI được thỏa thuận trên sàn với giá trị thỏa thuận là 768 tỷ đồng (tương đương 24.000 đồng/cp), nâng tỷ lệ sở hữu lên 57,31%. BCCI đã trở thành công ty con của KDH.

Tại ĐHCĐ bất thường 2015 của BCI, đại hội đã chấp thuận đề nghị sở hữu trên 25% vốn tại BCI của KDH và thay thế 3 Thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2014-2018. Theo đó, một thành viên HĐQT của KDH đã “giành” một ghế thành viên HĐQT của BCI, đó là bà Nguyễn Thị Diệu Phương. Được biết, bà Phương trước đây đã có thời gian công tác tại BCI.

Trong khi đó, nói về kế hoạch phát triển dự án trên đất của BCCI tại khu vực Tây Nam thành phố, đại diện của KDH cho biết cần phải mất thêm 2-3 năm nữa mới hoàn tất mọi thủ tục pháp lý, đền bù giải toả để từ đó đầu tư dự án mới đưa sản phẩm ra thị trường

"Hiện nay BCCI đang sở hữu nhiều quỹ đất tại phía Tây Nam, nhưng chưa đền bù phần diện tích còn lại (khoảng 20%), KDH đang kết hợp với thực hiện quy hoạch để phấn đầu cuối năm 2017 và đầu 2018 sẽ triển khai dự án", một đại diện của công ty này cho biết.

Theo kế hoạch đề ra, KDH sẽ áp dụng một phần chiến lược của mình đang thưc hiện ở khu Đông vào các dự án này ở các khu đất của BCCI.

Dựa trên cơ sở đó, KDH đang ráo riết hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, đẩy mạnh đền bù và quy hoạch lại các dự án để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, do mặt bằng giá nhà ở tại khu vực này tương đối thấp so với các khu vực khác của thành phố, do vậy KDH sẽ nghiên cứu đưa ra một chiến lược đầu tư hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên