MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án nạo vét 72 tỷ tăng sốc lên 2.595 tỷ: "Muốn làm đến nơi đến chốn nên dự án nở dần"

23-05-2018 - 11:14 AM | Xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án nạo vét từ 72 tỷ tăng "sốc" lên 2.595 tỷ đồng do khảo sát không kỹ và lỗi cơ chế làm dự án cứ "nở dần ra".

Dự án nạo vét sông cả chục năm chưa xong

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội chiều 21/5, nhấn mạnh tình trạng điều chỉnh dự án với giá trị lớn. Trong đó có dự án điều chỉnh từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, tăng đến 36 lần - đây là dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình.

Ngày 22/5, bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, dự án này đã kéo dài cả chục năm nay. Ban đầu, dự án có quy mô vừa nhưng khi đi vào thực hiện lại muốn làm "đến nơi, đến chốn".

Cùng với đó, dự án khi triển khai thực hiện đi vào khu di tích cố đô Hoa Lư nên đòi hỏi phải mở rộng cảnh quan sông. Khi mở rộng lại liên quan đến dân, giải phóng mặt bằng, tái định cư nên vừa phải lo trả tiền cho dân tại chỗ, vừa phải xây dựng khu tái định cư để đưa dân ra.

Nguyên nhân đội vốn là khảo sát không kỹ, cứ nghĩ đơn giản là dự án quy mô nhỏ. Thêm vào đó, tâm lý ban đầu là làm sao để dự án được xếp vào danh mục đầu tư công, nhưng khi triển khai lại muốn làm đến nơi đến chốn, cho nên dự án nở dần, nở dần - bà Thanh giải thích và cho rằng vấn đề đội vốn không phải chuyện của riêng dự án Sào Khê mà của nhiều dự án khác.

Dự án nạo vét 72 tỷ tăng sốc lên 2.595 tỷ: Muốn làm đến nơi đến chốn nên dự án nở dần - Ảnh 1.

Sau hơn 17 năm thi công, dự án vẫn dở dang gây lãng phí. Ảnh: báo Lao động.

"Lỗi đội vốn lên rất lớn do cơ chế"

- Nhiều người đặt vấn đề, liệu có hay không việc địa phương tìm cách "vẽ" dự án ban đầu nhỏ để được lọt vào danh mục đầu tư công, sau khi được phê duyệt lại tìm cách để dự án "nở to ra"?

Dự án nạo vét 72 tỷ tăng 'sốc' lên thành 2.595 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Thanh: Cũng có tình trạng đó và thực tế muôn hình vạn trạng xảy ra tình huống phát sinh nhưng không phải tất cả. Ở đây thẩm định sai, khi kiểm toán có vấn đề cần quy truy trách nhiệm và xử lý nặng nếu vi phạm, như vậy sẽ hạn chế tình trạng đội vốn.

- Vậy lỗi nằm ở đâu khi một dự án đội vốn rất lớn như vậy?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Lỗi chính là câu chuyện cơ chế. Đầu tiên muốn đưa dự án vào danh mục phải dựa vào nguồn vốn. Trong khi đó vốn địa phương được ít, chỉ làm dự án nhỏ. Khi được phê duyệt dự án, triển khai, do muốn làm đến nơi, đến chốn và phát sinh ra nhiều vấn đề nên phải điều chỉnh lại dự án. Nó cứ "nở dần, nở dần" là vì thế.

- Để xảy ra tình trạng đội vốn lớn như vậy, chủ đầu tư có chịu trách nhiệm?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Đây là một lỗi hỗn hợp, bắt đầu từ cơ chế chung về vấn đề đầu tư, trong đó có việc xác định dự án, danh mục dự án, khống chế ban đầu, tổng mức đầu tư cho địa phương với các dự án nhóm A, B, C…

Từ những quy định như vậy, chủ đầu tư xem khả năng của mình vào nhóm nào để được đưa vào danh mục. Khi triển khai trên thực tế mới phát sinh nhiều yêu cầu, dẫn đến đội vốn. Đương nhiên chủ đầu tư có trách nhiệm chính và cả các cơ quan có trách nhiệm liên quan.

- Với những bất cập đã nêu, cần cơ chế kiểm soát thế nào để khi triển khai các dự án không bị đội vốn?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Luật Đầu tư công đã thay đổi, quy định dự án phải thẩm định và xác định nguồn vốn ngay từ ban đầu để khắc phục thực tiễn nói trên. Tuy nhiên, có bất cập là dự án lớn, vốn không có, lại xuất hiện khó khăn mới, giữa quy mô và nguồn vốn vênh nhau - đó là lý do của việc giải ngân chậm.

Do đó, để giải quyết trọn vẹn câu chuyện này là rất khó khi "chiếc bánh ngân sách" đang nhỏ. Tôi nghĩ cần phân loại dự án. Cụ thể, những dự án nằm trong đầu tư công, trong kế hoạch đã xác định thời gian thì thẩm định nguồn vốn để cho dự án hoàn thành, không kéo dài. Cần xác định một số trường hợp cấp bách, khẩn cấp không cần thẩm định nguồn vốn.

- Cảm ơn bà!

Trước đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) bày tỏ bất bình trước các dự án đội vốn khủng. Ông nói: "Làm gì mà đội vốn đến 36 lần như dự án ở Ninh Bình. Đề nghị Bộ KH&ĐT kiểm tra, báo cáo trước Quốc hội".

Tại quyết định số 1469/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại Dự án đầu tư nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê - thuộc khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư với tổng mức đầu tư 2.595,834 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng 1.566 tỷ đồng, chi phí đền bù GPMB gần 530 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 432 tỷ đồng.

Để GPMB cho dự án sông Sào Khê, huyện Hoa Lư phải xây dựng hạ tầng cho 5 khu tái định cư trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân.

Cụ thể, 3 khu tái định cư Trường Yên gồm: Ngòi Gai 14,4 ha - mức vốn đầu tư 81,6 tỷ đồng; Hang Muối Cạn 2,2 ha - mức đầu tư 8 tỷ đồng; Khu Nghẽn, Sậu khoảng 13 ha cho 500 hộ từ cống Trường Yên đến Cầu Đông và cầu Hội.

Bộ trưởng Giao thông: BOT chưa lúc nào nóng như 2017, nhưng là "sản phẩm giai đoạn trước"

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên