MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án thua lỗ: Nhiều 'sếp lớn' đã bị điều chuyển, buộc thôi việc

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn chứng nhiều trường hợp bị buộc thôi việc, điều chuyển công tác, đồng thời hứa sẽ tiếp tục kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân liên quan đến các dự án đầu tư thua lỗ.

Tiếp tục làm rõ trách nhiệm

Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), về trách nhiệm của Bộ Công Thương, chủ đầu tư trong việc xây dựng, phê duyệt đầu tư các dự án do các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đầu tư bị thua lỗ, gây bức xúc trong dư luận.

Theo bộ trưởng, đối với các dự án do các Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, Bộ Công Thương có trách nhiệm ở 2 vai trò: Đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý ngành. Đối với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu, Bộ Công Thương có trách nhiệm gián tiếp đối với hiệu quả của các dự án thông qua vai trò là cơ quan thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư, hoặc tham mưu để Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án.

“Bộ Công Thương xin nhận trách nhiệm và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm ở các dự án đầu tư”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Đối với các dự án do các đơn vị thành viên của Tập đoàn, Tổng công ty hoặc có cổ phần vốn góp của các Tập đoàn, Tổng công ty thì Bộ có trách nhiệm chính trong vai trò quản lý ngành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ngành cũng như thực hiện vai trò thẩm định thiết kế cơ sở (đối với các dự án nhóm A thuộc chuyên ngành quản lý nhà nước của Bộ).

Việc một số dự án đầu tư lớn của ngành và của cả nước không đảm bảo hiệu quả, thua lỗ trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân và đang trong quá trình làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Nhưng Bộ Công Thương cũng tự nhận thấy rằng có phần trách nhiệm của công tác tổ chức cán bộ đối với tình trạng thiếu các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm trong việc quản lý, chỉ đạo hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty cũng như thẩm định, tham mưu phê duyệt và phê duyệt các dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Bộ”, ông Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của ĐBQH.

Nhiều cá nhân chưa bị xử lý

Về việc xử lý các cá nhân có sai phạm, theo Bộ Công Thương, đối với một số doanh nghiệp để xảy ra tình trạng thua lỗ giai đoạn từ năm 2011 - 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét xử lý một số lãnh đạo doanh nghiệp, cụ thể:

Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam: Do để Công ty EVN Telecom thua lỗ, ông Đào Văn Hưng bị buộc cho thôi giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn và chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo; ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn bị kỷ luật với hình thức khiển trách; Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Do để thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lê Phú Hưng bị cho thôi giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty và điều về công tác tại cơ quan Bộ Công Thương.

Theo báo cáo của các Tập đoàn và Tổng công ty, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên: Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận đề nghị Tổng công ty Thép kiểm điểm đối với người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Cty Gang thép Thái Nguyên. Tổng công ty đã tổ chức kiểm điểm, tuy nhiên chưa xử lý kỷ luật cá nhân và tập thể.

Tại dự án Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất chưa có xử lý đối với tập thể và cá nhân. Thanh tra Bộ Công Thương đang trong quá trình thanh tra Dự án, sau khi có kết luận Thanh tra, Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm đối với các cá nhân và tập thể nếu để xảy ra sai phạm. Còn dự án Giấy Phương Nam thì chưa có xử lý kiểm điểm và kỷ luật.

Hay dự án của PVC, tập thể lãnh đạo Tập đoàn đã có đánh giá xếp loại “Chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ” năm 2012 đối với ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận; quyết nghị thôi làm người đại diện vốn của Tập đoàn, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị - Bí thư Đảng ủỵ PVC đối với ông Trịnh Xuân Thanh và quyết nghị thôi làm người đại diện vốn của tập đoàn; thôi giữ chức Uỷ viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy PVC đối với ông Vũ Đức Thuận…

Tại dự án Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ, ngày 27/01/2014, trước tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của PVTex gặp nhiều khó khăn, tiến độ dự án bị chậm, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, TGĐ Tập đoàn đã làm thủ tục cho thôi giữ chức vụ đối với ông Vũ Đình Duy (thôi tham gia Hội đồng quản trị, thôi giữ chức Tổng giám đốc để giữ chức Phó Tổng giám đốc PVTex phụ trách Dự án Xây dựng nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ)…

“Bộ Công Thương đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý cán bộ, đặc biệt đối với các trường hợp có liên quan đến các Dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh”, Bộ trưởng cho hay.


Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên