MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự cảm 2018: Cơ hội sẽ lớn hơn

07-12-2017 - 19:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng có chung dự cảm là năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017. Tuy nhiên, DN cũng cần phải tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể hóa giải những thách thức cũng như tận dụng triệt để các cơ hội để phát triển.

2 cơ hội và 1 thách thức

"Tôi nhìn thấy DN đang có 2 cơ hội và 1 thách thức lớn”, TS.Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi.

Ảnh minh họa

Cơ hội thứ nhất, thông điệp của Chính phủ rõ ràng là phát triển kinh tế tư nhân, lấy nó làm động lực phát triển kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết. Còn cơ hội thứ 2 DN gián tiếp có được là tạo một môi trường kinh doanh giảm được thời gian, chi phí, DN kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn. Cơ hội kinh doanh cho DN tư nhân cũng sẽ tăng lên.

Nhưng, khi môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thì cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh. “Sức ép cạnh tranh tàn khốc như chiến tranh. Nếu DN không thay đổi để thích ứng sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi”, ông Hiếu lưu ý với DN.

Đại diện cho cộng đồng DN, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng “nhiều dự báo cho thấy trước mắt năm 2018 vẫn còn nhiều thách thức”. Ngoài các yếu tố khách quan còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; DN trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

"Dù chúng ta có gần 700 nghìn DN đang hoạt động nhưng trên 60% DN vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số DN thành lập mới tăng lên (11 tháng/2017 có 116 ngàn DN thành lập mới), nhưng số DN ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng…”, ông Phòng nói.

Đáng lo ngại hơn, theo các chuyên gia đó là Việt Nam bắt đầu có những mầm mống khủng hoảng kinh doanh từ khủng hoảng quản trị DN như câu chuyện của Khaisilk vừa rồi.

Mặc dù vậy với ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen “tôi cảm nhận rằng năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017”. Mọi số liệu và dấu hiệu đều cho thấy, môi trường kinh doanh và các cơ hội phát triển năm 2018 sẽ tốt hơn 2017 bởi những chính sách của Đảng và Chính phủ đang đi vào cuộc sống.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng có chung dự cảm là năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017 bởi các thiết lập quan hệ kinh tế của thế giới hiện nay cũng đang bắt đầu đi vào vận hành. Đặc biệt, với thành công của hội nghị APEC vừa rồi tại Đà Nẵng, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn 2017, theo ông Phòng.

Đồng quan điểm như vậy, nhưng TS.Vũ Đình Ánh tỏ ra quan ngại khi nhìn vào sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân thấy vẫn chưa tương xứng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nhìn chung kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu...

Chủ động ứng phó thách thức, tìm kiếm cơ hội phát triển

Đón nhận các dự báo về kinh tế trong nước và thế giới cùng xu hướng điều hành kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ là việc làm quan trọng giúp doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó đồng thời tìm kiếm những cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tham gia hội thảo.

Về phía mình, TS.Vũ Đình Ánh khuyên các DN phải thay đổi tư duy về vốn. Hãy tìm vốn theo nguyên tắc của thị trường tức là ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, DN nên mở rộng tìm vốn từ thị trường chứng khoán hay thị trường trái phiếu.

Từ góc độ chính sách vĩ mô, để củng cố niềm tin và gợi mở định hướng cho DN, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết: Để thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 5, đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp: Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Bên cạnh đó, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DDNNVV đã chuẩn bị được Chính phủ ban hành cụ thể trong thời gian gần. Đây là điểm đổi mới, giúp DN kinh doanh hiệu quả hơn, có những điều khoản hướng dẫn về thuế, chính sách cho doanh nghiệp…

Đặc biệt, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi quy định các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức đúng về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tuy nhiên về phần mình, các chuyên gia khuyến nghị, DN cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Linh Linh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên