MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự kiến bỏ HĐND 177 phường Hà Nội, đề nghị không đổi tên UBND phường vì quá tốn kém, phiền hà

Theo Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Thủ đô.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với quan điểm HĐND phường đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê VĩnhTân cho biết: "Tiếp tục duy trì HĐND phường không còn phù hợp với Hà Nội".

Theo báo cáo, Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành của thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Hiện tại, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường, an ninh trật tự..., đòi hỏi một mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của thủ đô. Mặt khác, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp TP và cấp quận, thị xã; chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện. Đó là lý do HĐND phường không còn phù hợp.

"Ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên", Tờ trình nêu rõ.

Cùng với việc bỏ HĐND phường, đối với chính quyền đô thị (khu vực nội thành, nội thị), Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm điểm chính quyền đô thị hai cấp, đó là cấp chính quyền thành phố Hà Nội và cấp chính quyền quận, thị xã (đều có HĐND và UBND). Mô hình tổ chức cấp chính quyền của thành phố Hà Nội và quận, thị xã cơ bản như hiện nay, nhưng có đổi mới các cơ quan chuyên môn trực thuộc phù hợp với tính chất đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền cấp thành phố cho chính quyền cấp quận, thị xã.

Trong quá trình thực hiện thí điểm, UBND phường là cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại địa bàn phường. Nhiệm vụ chính của UBND phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của UBND quận, thị xã; hướng dẫn tổ dân phố thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn phường.

Khi chức năng của UBND xã thay đổi, có ý kiến cho rằng nên đổi tên cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới. "Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, tuy UBND phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất và cơ cấu tổ chức, nhưng nhất trí vẫn giữ tên gọi là UBND với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ", Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết.

Quan điểm này cũng nhận được nhiều Đại biểu Quốc hội chia sẻ. Đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng việc đổi tên gọi của UBND phường sẽ gây lãng phí, tốn kém lớn. Ngoài ra, việc này cũng sẽ gây khó khăn cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước. "Tuy nhiên, khó khăn sẽ chủ yếu đổ lên người dân nên mong Quốc hội cân nhắc kỹ", bà Hoa nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cũng nhấn mạnh không nên thay đổi tên gọi của UBND phường. Ngoài ra, việc thực hiện thí điểm, Quốc hội mới thống nhất tiến hành trong một khoảng thời gian xác định. Việc để nguyên tên gọi là thuận lợi và không làm ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày khác của người dân và cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, hoạt động thí điểm được tiến hành với 177 phường, thị xã của thành phố Hà Nội nên không cần phải phân biệt giữa phường này với phường khác. Điều này khiến việc đổi tên trở nên càng không cần thiết, bà Mai nói.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên