MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dữ liệu bài thi gốc ở Sơn La bị "mất tích" có khôi phục được không?

25-07-2018 - 08:28 AM | Sống

Ông Nguyễn Hữu Độ (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho biết trên Vietnamnet, với trường hợp ở Sơn La thì máy không lưu được bản gốc mà đã ghi đè lên.

Bài thi môn trắc nghiệm (phiếu trả lời trắc nghiệm) của một số thí sinh ở Sơn La bị phát hiện có dấu hiệu chỉnh sửa. Tổ công tác của Bộ GD-ĐT phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi.

Cơ quan chức năng nhận thấy, ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa, ảnh bài thi trắc nghiệm lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh bài thi trắc nghiệm ở đĩa CD mà Bộ GD-ĐT giữ trùng nhau.

Như vậy, dữ liệu được cho là gốc lưu ở Bộ GD-ĐT cũng là dữ liệu có bài thi đã bị chỉnh sửa, còn dữ liệu gốc thì... "mất tích".

Một chuyên gia giáo dục ở Hà Nội nhận định trên báo Dân trí, việc chỉnh sửa trên bài thi gốc rất khó trả về điểm thật cho thí sinh, vì không dễ để phân biệt nét sửa của thí sinh và của người can thiệp.

Tuy nhiên, trả lời trên báo Vietnamnet tối 24/7, ông Nguyễn Hữu Độ (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho hay, với trường hợp ở Sơn La thì máy không lưu được bản gốc mà đã ghi đè lên, nhưng "với file text bị lưu đè thì vẫn có thể khôi phục lại".

Ông Độ cũng nói rõ về quy trình chấm thi THPT Quốc gia, cụ thể, sau khi đưa bài thi vào máy để quét ảnh thì sẽ có lệnh in ra file text. File này có đủ toàn bộ đáp án của thí sinh, được gửi về Bộ GD-ĐT để lưu lại (CD1).

Sau đó Bộ mới để các địa phương được chỉnh sửa trên file đó và gửi file chỉnh sửa về Bộ (CD2).

"Bộ GD-ĐT lưu đĩa CD2, đến khi sửa xong mới đưa cho các địa phương làm đáp án chấm bài thi", ông Độ nói với nguồn trên.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) khi trả lời VTC News đã nêu ra một lỗ hổng trong quy trình chấm thi, đó là tờ phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách nên người nào cũng có thể biết phiếu đó là của ai và tìm ra phiếu của một thí sinh cụ thể.

Ông nói phiếu trả lời trắc nghiệm và quy trình chấm này phù hợp với kỳ thi ở một trường đại học chứ không phù hợp với thi ở địa phương.

Về phương án xử lý với các bài thi trắc nghiệm ở Sơn La, Bộ GD-ĐT tạm thời vẫn công nhận kết quả thi được công bố hôm 11/7. Kết quả này tạm thời được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Với câu hỏi, nếu sau khi thí sinh trúng tuyển vào các trường mới xác định được sai phạm thì xử lý ra sao, ông Trần Anh Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) trả lời trên báo Vietnamplus:

"Trong quy chế thi và quy chế tuyển sinh đã quy định rất rõ đối với các trường hợp phát hiện gian lận trong thi cử thì phải có hình thức kỷ luật kết hợp với các quy định hiện hành để xử lý.

Đối với các sinh viên đã và đang học tại các trường đại học mà bị phát hiện gian lận điểm thi sẽ bị xử lý kỷ luật, hình thức cao nhất là buộc thôi học".

(Tổng hợp)

Theo T.Nguyên

Thời đại

Trở lên trên