MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi trình Quốc hội: Phạt gấp 10 lần khoản thu lợi bất chính, UBCK được phép yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch của khách hàng

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33 ngày 16/4/2019 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật của Ủy ban Kinh tế ngày 08/4/2019, Chính phủ đã hoàn thiện dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và có Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 09/5/2019 trình Quốc hội về dự án Luật. Dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Ngoài các sửa đổi về chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán trái phiếu ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ …theo hướng tăng bảo vệ nhà đầu tư và yêu cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp muốn chào bán ra công chúng, một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi lần này là việc tăng quyền hạn cho UBCK và chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán.

Theo nội dung của Luật Chứng khoán sửa đổi Chính phủ trình quốc hội, dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho UBCKNN như: (i) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; (ii) Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; (iii) Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.

Quy định của dự thảo Luật đã khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...

Để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, dự thảo Luật quy định mức phạt tối đa theo hướng: đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là mười (10) lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và năm (5) lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Phương Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên