MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự trữ ngoại hối 4-5 tháng nhập khẩu khó khả thi

18-10-2016 - 10:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc duy trì quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua ở mức 3 tháng nhập khẩu đã là tương đối khó khăn...

Thẩm tra về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng việc lượng hóa thêm một số chỉ tiêu phản ánh nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế là cần thiết.

Điều này theo cơ quan thẩm tra là vừa thuận tiện trong triển khai thực hiện, vừa giúp việc đánh giá kết quả được sát thực hơn.

Nhưng, về các chỉ tiêu cụ thể Chính phủ đề xuất thì cơ quan thẩm tra còn băn khoăn.

3 tháng đã khó

Cụ thể, với chỉ tiêu dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu, Uỷ ban Kinh tế nhận định là khó khả thi. Vì theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc duy trì quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua ở mức 3 tháng nhập khẩu đã là tương đối khó khăn.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về cách tính dự trữ ngoại hối theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Báo cáo thẩm tra dẫn kết quả rà soát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 7/2016, tổng dự trữ ngoại hối (số tháng nhập khẩu): năm 2011 là 1,4 tháng; năm 2012 là 2,2 tháng; năm 2013 là 2,0 tháng; năm 2014 ước là 2,4 tháng; năm 2015 ước là 1,9 tháng.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị phân tích rõ cơ sở tính toán chỉ tiêu tỷ trọng đầu tư Nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội (theo thống kê, tỷ trọng này ước thực hiện năm 2016 là 36%, kế hoạch năm 2017 giảm xuống còn 34,2%) trong bối ngân sách Nhà nước khó khăn, xu hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách, nhưng mức giảm liệu có được bù đắp bởi việc tăng vốn từ khu vực tư nhân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm.

Ngoài ra, một số ý kiến từ cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất mục tiêu “dành 24-25% dự toán chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển” trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công, chuyển đổi mô hình tăng trường từ chiều rộng (tăng về lượng, phạm vi dàn trải nhiều lĩnh vực) sang kết hợp với chiều sâu (tăng về chất lượng, tập trung trọng điểm).

Theo kịch bản nào?

Trước khi phản ánh ý kiến về các chỉ tiêu cụ thể, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu.

Đó là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho, nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế-xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cả ba kịch bản tái cơ cấu Chính phủ xây dựng, uỷ ban thẩm tra cũng đều còn băn khoăn.

Kịch bản 1 có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất (7,01%/năm), kịch bản 2 là 6,86%/năm và kịch bản cơ sở là 6,55%/năm.

Lạm phát bình quân hàng năm tương ứng với 3 kịch bản này là 3,5%; 4,5% và 5%.

Trong nội dung kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp cận các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế “theo kịch bản 2 (đẩy nhanh tái cơ cấu), tuy nhiên có tiếp cận kịch bản 1 (tái cơ cấu quyết liệt) ở những nội dung tái cơ cấu có khả năng đẩy nhanh tốc độ”.

Phân tích của Uỷ ban Kinh tế cho thấy, đối chiếu với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, mức tăng trưởng kinh tế trong cả ba kịch bản đều phù hợp với mục tiêu mà Quốc hội đề ra (6,5-7%/năm). Nhưng chỉ có kịch bản 1 có mức lạm phát đáp ứng được yêu cầu trong Kế hoạch là “phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020”, nên lạm phát bình quân hàng năm sẽ trong khoảng 3-4%).

Bên cạnh đó, trong khi tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đối với tăng trưởng của kịch bản 1 (32,38%) và kịch bản 2 (30,9%) đều đáp ứng mục tiêu đề ra (30-35%) thì chỉ có kịch bản 1 có mức bội chi ngân sách trung bình khoảng 4% (kịch bản 2 là quá cao, 4,89%).

Do vậy, việc tiếp cận chủ yếu theo kịch bản 2 và có tiếp cận kịch bản 1 ở một số nội dung tái cơ cấu kinh tế như đề xuất của Chính phủ chưa bảo đảm tính thuyết phục để đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

Trở lên trên