MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đua nhau phát hành trái phiếu, rủi ro nào chờ các ngân hàng phía trước?

19-11-2018 - 18:34 PM | Tài chính - ngân hàng

"Khát" vốn dài hạn, nhiều ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây với lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, điều này chỉ giải quyết được tình thế ngắn hạn, ngân hàng sẽ phải đối mặt với không ít áp lực trong tương lai.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
292 bài viết

Những ngày cuối tháng 8, thị trường bất ngờ khi cuộc đua lãi suất bắt đầu sớm hơn mọi năm, ban đầu chỉ nhen nhóm ở các ngân hàng nhỏ, sau đã lan sang các ngân hàng tư nhân lớn rồi các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó mặt bằng lãi suất bị đẩy lên một mức cao mới. Cho đến nay, cuộc đua này dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây một số nhà băng tiếp tục nâng lãi suất tiết kiệm, chạy đua các chương trình cộng lãi suất, khuyến mại để hút vốn.

Bên cạnh cuộc đua lãi suất, một cuộc đua song song khác để huy động vốn diễn ra trong thời gian này là việc nhiều nhà băng phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn. Trong đó, đợt phát hành lớn nhất là của BIDV, ngân hàng đang chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng, lãi thanh toán hàng năm, bao gồm 2 loại trái phiếu, một là 3.000 tỷ trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn dài theo nhiều đợt với khối lượng từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn, Vietcombank hoàn tất phát hành trái phiếu theo 6 đợt kỳ hạn 6 năm với tổng khối lượng khoảng 550 tỷ đồng lãi suất 7,475%/năm. BIDV có 4 đợt phát hành thành công tổng cộng hơn 1.000 tỷ. Ngân hàng MB phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. VIB phát hành trái phiếu thành công huy động được 2.800 tỷ đồng và muốn làm tiếp đợt 2...

Tình trạng "khát" vốn huy động, đặc biệt là nguồn vốn kỳ hạn trên 12 tháng thể hiện rõ rệt trước những tháng cuối năm - mùa kinh doanh sôi động nhất.

Ở các ngân hàng lớn, dù vẫn là nơi thu hút tiền gửi nhiều nhất song thanh khoản vẫn đâu đó có tín hiệu căng thẳng trong thời gian gần đây. Tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi của BIDV, VietinBank, Vietcombank trong 9 tháng đầu năm lần lượt là 10,9%, 9,7% và 9,2% đều thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay khách hàng (lần lượt là 11,5%, 11,9% và 15,1%). 

Chưa kể, tại BIDV, phát hành giấy tờ có giá giảm mạnh 33% so với đầu năm, chủ yếu do chứng chỉ tiền gửi đáo hạn. Thiếu nguồn vốn huy động, các ông lớn đã phải gia nhập cạnh tranh lãi suất, nhưng dường như chưa đủ nên phải huy động lượng lớn trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, những trái phiếu kỳ hạn dài thì có thể tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang khá là thấp, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng lớn. Quy định hệ số an toàn vốn hiện nay là 9% nhưng trong tương lai sẽ kéo xuống còn 8%, khi thông tư 41 của NHNN hiệu lực từ năm 2019.  

Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 5, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã xuống khá thấp, ở mức 9,39%.

Thứ hai, các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn nữa vì sang năm cũng là lúc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40%. Phát hành trái phiếu là một giải pháp để gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn nhanh chóng. 

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp những nhà băng này giải quyết được một số vấn đề cấp bách hiện tại, tuy nhiên trong tương lai sẽ phải đối mặt với không ít áp lực gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Trong đó có rủi ro về lãi suất, vì huy động vốn trung và dài hạn thì thường có lãi suất cao. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí vốn đầu vào tăng, khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng.  

Các chuyên gia khác cũng cho rằng, phát hành trái phiếu chỉ là giải pháp mang tính "tình thế" đối với các ngân hàng lớn hiện tại. Lượng vốn huy động này không rẻ và sẽ đáo hạn khi đến lúc, muốn cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo quy định về tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn cấp 1. Mặc dù thời gian gần đây, BIDV, Vietcombank và cả VietinBank đều có những bước tiến tích cực cho việc tăng vốn, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình này sẽ khó hoàn tất trong một sớm một chiều vì phải trải qua nhiều thủ tục. Việc gấp gáp phát hành lượng lớn trái phiếu thời gian gần đây một phần khẳng định cho điều này. 

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên