MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng để ngành đường sắt bị lãng quên như mấy chục năm qua

Thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đề nghị cần sự đầu tư thỏa đáng hơn nữa đối với ngành đường sắt, xứng đáng với vai trò và vị trí của ngành và cho rằng “chúng ta đừng để ngành đường sắt bị lãng quên như mấy chục năm qua”.

Cần có chính sách phát triển ngành đường sắt để GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước, để đưa đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, sáng 30/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

So với kỳ họp thứ 2, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 gồm có 10 chương, 90 điều (giảm 5 điều).

Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh là: Quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý Nhà nước trong hoạt động đường sắt.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến: Chính sách phát triển đường sắt; ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt; quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động GTVT đường sắt; kinh doanh đường sắt; giá/phí trong kinh doanh đường sắt;...

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt để GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước, nhất là về đầu tư, để đưa đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay.

Đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ, quyết liệt phát triển từng loại hình đường sắt trong hệ thống GTVT nhằm kiến tạo nên một hệ thống GTVT đường sắt đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả, ít tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Dẫn chiếu hình ảnh về một ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam đã được đầu tư vào loại hiện đại nhất Đông Nam Á vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nay trở nên tụt hậu rất xa, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đề nghị cần sự đầu tư thỏa đáng hơn nữa đối với ngành đường sắt, xứng đáng với vai trò và vị trí của ngành và cho rằng “chúng ta đừng để ngành đường sắt bị lãng quên như mấy chục năm qua”.

Cũng về chính sách phát triển ngành đường sắt, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đề xuất: Cùng với phát triển đường sắt quốc gia, dự án Luật cũng cần có các quy định khuyến khích phát triển các loại hình đường sắt đô thị; quan tâm phát triển hệ thống đường sắt kết nối với các cảng hàng hải nhằm giảm áp lực về giao thông đối với hệ thống giao thông đường bộ.

Đề cập đến nội dung về quy hoạch đường sắt, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch phát triển đường sắt cho rõ và cụ thể hơn; quy hoạch kết cấu đường sắt với các ngành vận tải khác phải được đồng bộ hơn. Đồng thời bổ sung quy định thời gian lập quy hoạch, điều kiện lập quy hoạch đường sắt, kỳ quy hoạch; thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GTVT, của UBND cấp tỉnh trong quy hoạch liên tỉnh, địa phương,… Đề nghị rà soát lại nội dung quy hoạch giao thông đường sắt cho phù hợp với Luật Quy hoạch đang trình Quốc hội, phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế.

Về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động GTVT đường sắt, có ý kiến đề nghị rà soát, tổng kiểm tra đường ngang để có quy định phù hợp bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa tai nạn đường sắt và với lộ trình hợp lý để xây dựng; quy định cụ thể hơn về hành lang an toàn giao thông; quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của các cấp khi tai nạn xảy ra;…

Ngoài ra, các đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM), Trần Tất Thế (Hà Nam), Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và nhiều ý kiến đại biểu đề xuất, dự án Luật cần có các quy định rõ ràng hơn nữa trong huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hoạt động phát triển giao thông đường sắt.

Đồng thời làm rõ, tách bạch hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng đường sắt với các hoạt động dịch vụ đường sắt. Quy định rõ về vận tốc, yếu tố kỹ thuật, khổ đường và một số yêu cầu cơ bản về đường sắt tốc độ cao trong dự thảo Luật. Bổ sung quy định yêu cầu đối với ga đường sắt để xây dựng và quản lý các ga đường sắt thành các công trình đa năng, hiện đại;…

* Theo chương trình, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Theo Nguyễn Hoàng

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên