MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng gửi gánh nặng nợ xấu cho con cháu

16-05-2017 - 08:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự kiến, QH sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng: Nếu vấn đề đã nóng quá lâu này được QH thông qua sẽ góp phần khơi thông dòng chảy vốn tín dụng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. “Nợ xấu thực chất được gói đi, cuộn lại nhiều năm, cần minh bạch xử lý, đừng gửi gánh nặng lại cho con cháu”, TS. Hưởng nhấn mạnh.

Hợp hiến, hợp pháp

- Dự thảo Nghị quyết của QH về xử lý nợ xấu quy định: Tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết. Theo ông, quy định như vậy có phù hợp với Hiến pháp và Bộ luật Dân sự hay không?

- Tôi cho rằng quy định như vậy là hợp hiến, hợp pháp. Vì theo Điều 14, 15 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2, 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Cá nhân, pháp nhân có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Cá nhân và pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Như vậy, trường hợp pháp nhân, cá nhân tự nguyện đem tài sản của mình thế chấp, cầm cố để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ (giao dịch dân sự) sẽ tự làm phát sinh nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm để xử lý khi vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Nói cách khác, quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết, như Điều 299 Bộ luật Dân sự.

Hơn nữa, việc cho phép TCTD thu giữ tài sản bảo đảm nợ vay do bên đi vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ không đơn thuần là việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của TCTD; mà chính là thực hiện quyền của người gửi tiết kiệm. Đồng thời, giúp cả người đi vay giảm bớt được hậu quả lớn hơn nữa, vì càng để lâu, không thu giữ xử lý thì tiền phạt lãi phát sinh ngày càng cao, đáng lẽ chỉ mất tài sản nhưng lại dẫn đến vừa mất tài sản vừa đi tù!

- Có ý kiến lo ngại quy định như vậy có thể dẫn tới khả năng TCTD lạm dụng quyền thu giữ tài sản. Ở góc độ của người nhiều năm tham gia quản trị ngân hàng, ông có thể nói gì về ý kiến này?

- Thực tế thì gần 20 năm qua, các TCTD đã thực hiện quyền thu giữ và xử lý tài sản thu hồi nợ xấu nhưng chưa được hợp pháp hóa, điều tiết bằng một đạo luật trực diện, cụ thể. Nhưng việc thu giữ, xử lý vẫn được thực hiện theo luật pháp hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản, Luật Các TCTD, Luật Khiếu nại tố cáo hoặc thi hành án… Tất cả phải ưu tiên trên cơ sở đồng thuận hợp lý, hợp pháp! Ngân hàng không bao giờ tự ý muốn làm gì thì làm!

“Ngân hàng không thể muốn làm gì thì làm”

- Ban soạn thảo đề nghị các quy định của Nghị quyết sẽ được áp dụng để xử lý nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh trong thời gian thực hiện Nghị quyết. Ngược lại, có ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng đối với nợ xấu của các TCTD yếu kém. Xin ông chia sẻ quan điểm về nội dung này?

- Tôi chỉ xin đưa ra 2 khái niệm đơn giản. Ngân hàng yếu kém là ngân hàng yếu toàn diện, trong đó có một phần nguyên nhân do nợ xấu tạo nên. Nợ xấu của các ngân hàng yếu kém chỉ chiếm 20 - 30% nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Nợ xấu là nợ không đủ tiêu chuẩn, xảy ra ở các hệ thống ngân hàng thương mại. Vậy chúng ta mất bao công sức ban hành một Nghị quyết của QH lại chỉ nhằm xử lý 20 - 30% nợ xấu và của một vài ngân hàng nhỏ thôi sao?

Về lâu dài, Nghị quyết về xử lý nợ xấu phải trở thành luật. Đơn giản vì, còn hoạt động cho vay, đi vay trong nền kinh tế thì còn phát sinh nợ xấu, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên có luật điều tiết mới đúng! Nhưng do điều kiện quá cấp bách nên kỳ vọng “xử lý nợ xấu trong thời gian thực hiện Nghị quyết” của ban soạn thảo là có lợi cho đất nước và doanh nghiệp lắm rồi!

- Theo ông, liệu có xảy ra tình trạng TCTD lợi dụng chuyển nợ bình thường thành nợ xấu để được áp dụng các quy định tại Nghị quyết này hay không?

- Không thể xảy ra chuyện này vì 4 lý do. Một, nợ xấu được “nhảy nhóm” tự động, đã được cài đặt sẵn từ phần mềm vi tính và phần mềm được lập trình trên cơ sở quy định của pháp luật. Hai, ngân hàng không thể tự chuyển nợ tốt của khách hàng sang nợ xấu vì không khách hàng nào chấp nhận. Ba, một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao là điểm tối kỵ, ảnh hưởng bao quyền lợi khác nên không ai dại gì “thích” ngân hàng mình có nhiều nợ xấu. Bốn, có sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không thể muốn làm gì thì làm.

- Hành lang pháp lý này có ưu ái các ngân hàng hay không, có góp phần “chạy tội” cho các ngân hàng chủ động gây ra nợ xấu hay không, thưa ông?

- Chắc chắn là không! Vì Ngân hàng Nhà nước đã có quy định rất nghiêm ngặt, khi xử lý cái chung, phát hiện ra ai sai, xử nghiêm minh người đó. Nhẹ thì hành chính, nặng thì truy tố trước pháp luật. Các ngân hàng muốn “du di” cũng không được vì mọi người đều biết hết!

Tôi thấy đây là nghị quyết hệ thống hóa lại những quy định, tháo gỡ những vướng mắc chứ không phải chống lại hay trái với luật nào. Nó hướng đến những giải pháp, cơ chế hỗ trợ để đẩy nhanh hơn, thực chất hơn quá trình xử lý nợ xấu. Nói cho đúng là “ưu ái” xử lý nợ xấu để vốn chảy vào các cửa làm ăn, khơi thông sinh kế, để lãi suất và chi phí sản xuất hợp lý hơn nữa cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, mà như thế mới có nguồn tăng nộp ngân sách. Đó là lợi ích chung, ưu ái chung.

- Ông kỳ vọng gì ở Nghị quyết về xử lý nợ xấu và việc sửa đổi Luật Các TCTD?

- Đáng lẽ Nghị quyết về xử lý nợ xấu và việc sửa đổi Luật Các TCTD phải thực hiện từ lâu rồi. Nhưng muộn còn hơn không. Nếu QH thông qua 2 vấn đề đã nóng bỏng quá lâu này sẽ góp phần khơi thông dòng chảy vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Và đặc biệt, củng cố vị thế của chủ nợ là các ngân hàng thương mại, tránh tình trạng chủ nợ biến thành con nợ như thời gian qua. Cục máu đông nợ xấu sẽ dần dần tan chảy có ích cho nền kinh tế - xã hội.

Nợ xấu thực chất được gói đi cuộn lại nhiều năm, cần minh bạch xử lý, đừng gửi gánh nặng nợ xấu lại cho con cháu.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hồng Loan

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên