MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng "lao" vào dệt may nữa

Các doanh nghiệp may của Việt Nam hiện nay tương đối mạnh nên cần ưu tiên cho những nhà máy dệt, nhuộm (cam kết không làm ô nhiễm môi trường). “Nếu cứ có một doanh nghiệp may đầu tư rồi các doanh nghiệp khác lại đổ xô vào thì chỉ có tranh chấp, tất cả sẽ cùng chết”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cảnh báo.

Lương, bảo hiểm chiếm đến 72% đơn giá gia công

Xuất khẩu dệt may 6 tháng chỉ đạt 12,67 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Kết quả đạt được thấp xuất phát từ nhiều vấn đề như: Tình hình kinh tế khó khăn, cơ chế chính sách không ổn định, thị trường cạnh tranh gay gắt... Đáng chú ý, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp khá bức xúc là lương tối thiểu.

Tăng lương tối thiểu không phải vấn đề mà doanh nghiệp dệt may quan tâm bởi “chúng tôi đã trả lương cho công nhân cao gấp bội lần lương tối thiểu”, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng nói. Điều danh nghiệp quan tâm là những chi phí đi theo lương tối thiểu như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn.

Vị doanh nghiệp này nhẩm tính, những loại chi phí này khiến doanh nghiệp mất trung bình 50-60 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi lãi của doanh nghiệp may lắm được 5-6% nhưng các chi phí khác cứ liên miên như vậy doanh nghiệp sống làm sao nổi.

Không chỉ vậy, lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội còn chiếm tới 72% trong đơn giá gia công. Vì thế, khi lương tối thiểu “bùng lên” kéo theo bảo hiểm tăng, chi phí công đoàn và hàng loạt chi phí khác tăng làm cho giá thành doanh nghiệp đẩy lên 8-10%.

Hơn nữa, lãi suất vay ngân hàng các nước chỉ 2% nhưng Việt Nam thấp nhất cũng khoảng 8-10%, nghĩa là chỉ riêng tiền vốn đầu tư đã đắt hơn 4 lần so với các nước.

Chính vì thế, doanh nghiệp dệt may khó có thể cạnh tranh với các đối thủ Campuchia, Bangladesh, Myanmar khi những nước này không chỉ có lợi thế cạnh tranh mà còn được ưu đãi, hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG gợi ý: “Chế độ bảo hiểm, kinh phí công đoàn nên chăng đưa tất cả vào tiền lương còn người lao động đóng bao nhiêu là quyền của họ. Nếu tham gia TPP, sẽ có nhiều hơn 1 tổ chức công đoàn, người lao động được quyền lựa chọn tổ chức công đoàn”.

Dừng cấp phép may

Có một vấn đề đáng bàn và cũng là trăn trở của nhiều doanh nghiệp dệt may là vấn đề quy hoạch, cấp phép cho các dự án đầu tư.

Ở tuyến huyện, tỉnh, mục tiêu thu hút đầu tư được đặt lên hàng đầu nên cứ có dự án là sẵn sàng trải thảm. Ông Thịnh dẫn chứng: “Khi xác định thành phố Nam Định là nơi không còn cạnh tranh, tôi đã chuyển hướng “chạy” về các huyện nhưng cứ đi đến đâu thì doanh nghiệp Trung Quốc có mặt đến đó. Nếu chúng ta quy hoạch 15 km cho phát triển doanh nghiệp quy mô vài nghìn công nhân thì không vấn đề gì nhưng cứ túm tụm lại một chỗ sẽ tạo nên sự hỗn độn và khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn”.

Bổ sung thêm thông tin, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, doanh nghiệp may của Việt Nam hiện nay tương đối mạnh nên cần ưu tiên cho những nhà máy dệt, nhuộm (cam kết không làm ô nhiễm môi trường) và hạn chế cấp phép xây nhà máy may cho các doanh nghiệp mạnh.

“Nếu cứ có một doanh nghiệp may đầu tư rồi các doanh nghiệp khác lại đổ xô vào thì chỉ có tranh chấp, tất cả sẽ cùng chết”, bà Huyền cảnh báo. Hơn nữa, quá nhiều nhà máy may mà không có nhà máy dệt, nhuộm thì chúng ta không thể tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP được.

Tăng năng suất, tiết kiệm tối đa, kể cả việc tận dụng những thứ thiên nhiên ban cho như hứng nước mưa, tận dụng ánh sáng mặt trời là cách làm mà May 10 đã áp dụng để “tự cứu mình” trước khi được “cứu” trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ở một khía cạnh khác, ông Thịnh chua xót khi nhắc đến thực tế doanh nghiệp lười nghiên cứu chính sách. Đến khi “ngọn roi” pháp luật "quất vào lưng đau nhừ người" rồi mới bừng tỉnh. Lúc đó, doanh nghiệp có kêu cũng lâu lắm bởi để thay đổi chính sách không phải nhanh. Vì thế, đã đến lúc doanh nghiệp cần được tham gia vào vấn đề hoạch định chính sách của đất nước.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

Trở lên trên