MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên mất những cổ phiếu này khi bước vào tuần giao dịch đầu tiên của TTCK 2017

Ngay đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp “tỷ đô” đã xếp hàng lên sàn và hứa hẹn đem đến cho thị trường chứng khoán những món hàng mới lạ mà bao lâu nay cộng đồng nhà đầu tư chưa được diện kiến do chỉ giao dịch trên OTC.

Vietnam Airlines và Vinatex

Phiên giao dịch đầu tiên chào năm mới (3/1/2017), thị trường đón nhận thêm cổ phiếu của 2 ông lớn là HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Theo đó, Vietnam Airlines sẽ chào sàn UPCoM với số lượng đăng ký giao dịch hơn 1,2 tỷ cổ phiếu và giá tham chiếu 28.000 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines đã lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,5 tỷ USD.

Theo công bố thông tin, tính đến thời điểm 31/11/2016, Nhà nước đang nắm giữ 86,16% vốn của Vietnam Airlines, tương đương hơn 1 tỷ cổ phiếu. Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA HOLDINGS INC là cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines nắm giữ hơn 107,6 triệu cổ phần, tương đương 8,77%. Tỷ lệ sở hữu của cá nhân trong nước chỉ có 1,09% nhưng cũng tương ứng với lượng cổ phiếu không quá ít: 13,4 triệu đơn vị.

Năm 2016, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 77.806 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.321 tỷ đồng. Ngay trước ngày lên sàn, Tổng công ty này cho biết ước tính cả năm 2016 đạt 76.060 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, bằng 95% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 2.483 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch.

Cùng ngày, 500 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 13.500 đồng/CP tương ứng mức vốn hóa thị trường là 6.750 tỷ đồng. Năm 2014, Vinatex đã tiến hành IPO, giá trúng bình quân là 11.000 đồng/cp. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vinatex là 54%, Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam sở hữu 24%. Giá trị vốn hóa ước tính của tập đoàn Nhà nước ngày đầu tiên giao dịch sẽ đạt hơn 6.700 tỷ đồng.

Masan Consumer

Ngay sau 2 ông lớn nói trên, một doanh nghiệp khác có vốn hóa tỷ đô dự kiến sẽ lên sàn UPCoM vào ngày 5/1/2017 là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH) Với lượng đăng ký giao dịch hơn 538 triệu cổ phiếu và giá tham chiếu ngày đầu là 90.000 đồng. vốn hóa của Masan Consumer sẽ đạt hơn 48.400 tỷ đồng, xấp xỉ 2,13 tỷ USD.

Masan Consumer là công ty con của Công ty TNHH MasanConsumer Holdings – một công ty con của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã chứng khoán: MSN ). Đây là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami) , gia vị (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe).

VIB Bank

Ngay sau đó, Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam sẽ đưa 564,4 triệu cổ phiếu lên UPCoM với mã chứng khoán VIB vào ngày 9/1/2017. Giá tham chiếu là 17.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá tham chiếu này, vốn hóa của VIB sẽ đạt gần 9.600 tỷ đồng. Những năm gần đây, VIB là một trong những ngân hàng nhận được sự quan tâm của cổ đông và nhà đầu tư khi tỷ lệ chia cổ tức thuộc nhóm cao, cụ thể năm 2014 là 23,5% và năm 2015 là 25%, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu thưởng. Tính tới hết tháng 11, lợi nhuận của VIB trước dự phòng đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu hoạt động của ngân hàng tăng 23,5% so với cùng kỳ.

Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor)

Tuy chưa công bố ngày giao dịch đầu tiên nhưng thông tin Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor) được đăng ký giao dịch 350 triệu cổ phiếu trên UpCOM với mã chứng khoán VIF cũng khiến nhà đầu tư thấy hứng khởi.

Tính đến 9/12/2016, Vinafor có 2 cổ đông lớn duy nhất sở hữu 91% vốn điều lệ công ty, trong đó Bộ nông ngiệp &Phát triển Nông thôn sở hữu 51% và CTCP tập đoàn T&T sở hữu 40% vốn cổ phần. Trong số 350 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch của Vinafor có gần 141 triệu cổ phiếu đang bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định, chủ yếu là của cổ đông chiến lược CTCP tập đoàn T&T bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm từ 1/9/2016 đến 31/8/2021.

Cũng trong tuần đầu tiên của năm 2017, một số doanh nghiệp khác cũng được chấp thuận niêm yết, giao dịch như cổ phiếu của Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần, Công ty cổ phần Licogi 12.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên