MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được tài trợ hơn 40 tỷ USD, Đại học Harvard tiêu tiền vào việc gì?

30-10-2019 - 20:32 PM | Sống

Dù được tài trợ đến 40,9 tỷ USD, Harvard cho biết số tiền này không giúp trường tự do hoàn toàn về tài chính. Khoảng 35% ngân sách hoạt động hàng năm của Harvard được lấy từ quỹ tài trợ.

Harvard là đại học có nguồn tài trợ nhiều nhất nước Mỹ. Theo tạp chí Harvard và The Harvard Crimson, tổng số tiền ngôi trường này được tài trợ tính đến cuối năm tài chính 2019 là 40,9 tỷ USD – tăng 1,7 tỷ USD so với năm ngoái.

Khoản tài trợ của Harvard được tạo thành từ hơn 13.000 quỹ cá nhân và được giám sát bởi Công ty Quản lý Harvard.

Với khoản tài trợ lớn như vậy, một số ý kiến cho rằng Harvard nên miễn học phí tại ngôi trường danh tiếng này. Một số ý kiến khác đề xuất Harvard tuyển và đào tạo nhiều hơn những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thay vì miễn học phí cho những sinh viên có điều kiện tài chính tốt.

Trong báo cáo tài chính năm 2018-2019, Harvard nhấn mạnh rằng khoản tài trợ này không mang lại cho trường sự tự do tài chính hoàn toàn.

“Có một quan niệm sai lầm rằng các khoản tài trợ giống như tài khoản ngân hàng, được sử dụng bất kỳ lúc nào miễn là có sẵn tiền. Trên thực tế, chi tiêu của Harvard từ nguồn tài trợ bị hạn chế vì quỹ tài trợ này được tạo ra với mong muốn tồn tại bền vững. Điều đó rất quan trọng với một tổ chức có mục tiêu phục vụ các thế hệ sinh viên và theo đuổi các vấn đề lớn không thể tìm ra câu trả lời trong một đời người”, báo cáo nêu rõ.

Năm ngoái, Havard sử dụng 1,9 tỷ USD từ nguồn tài trợ để trang trải một số chi phí hoạt động. Khoảng 35% ngân sách hoạt động hàng năm của trường được trang trải theo cách này. Các chi phí còn lại được chi trả nhờ tiền học phí của sinh viên và các khoản đóng góp trực tiếp cho trường - khác với khoản đóng vào quỹ tài trợ.

Báo cáo tài chính mới nhất của trường tiết lộ 30% số tiền sử dụng từ nguồn tài trợ của Harvard là linh hoạt, trong khi 70% còn lại được phân bổ cho các chi phí khác nhau. Trong đó, 24% chi tiêu tài trợ được sử dụng cho các giáo sư, 19% được sử dụng cho học bổng và hỗ trợ sinh viên, 7% cho chi phí nghiên cứu, 4% dành cho thư viện và bảo tàng của trường, 2% dành cho giảng dạy, 1% cho xây dựng và 9% cho các chi phí khác.

Theo Linh Lam

Người đồng hành

Trở lên trên