MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường dây doanh nghiệp bất động sản mở đường "rút ruột" ngàn tỷ tại Trustbank của "bà trùm" Hứa Thị Phấn

19-08-2019 - 17:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Cùng với 3.581,72 tỷ đồng dư nợ gốc 29 khoản vay của 25 khách hàng thuộc Nhóm Phú Mỹ đứng tên vay hộ Hứa Thị Phấn tại Trustbank, tổng gần 4.620 tỷ đồng Hứa Thị Phấn đã dùng để (1) mua đất tại Tp.HCM (gần 25ha tại Nhà Bè và 9ha tại quận 2 với tổng số tiền 2.252 tỷ đồng), (2) trả lãi và hỗ trợ Trustbank (2.182 tỷ đồng), (3) mua cổ phần CTCK Đại Việt, Công ty Bảo hiểm Hùng Vương (gần 113 tỷ đồng).

Ngày 18/8/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND đề nghị truy tố bà Hứa Thị Phấn cùng 5 đồng phạm khác trong "đại án" kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín - Trustbank (sau đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) về tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4 điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Kết luận điều tra của cơ quan công an chỉ rõ, lợi dụng việc nắm giữ số cổ phần chi phối lên đến 84,92% và vai trò Cố vấn cao cấp HĐQT Trustbank, bà Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm đã lũng đoạn ngân hàng này và có hàng loạt các hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỷ đồng. Trong đó, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản là "sân sau" do bà Phấn lập ra để bà này chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỷ đồng.

Theo hồ sơ ghi nhận, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo Trustbank đầu tư trực tiếp vào 4 dự án bất động sản do 3 công ty của Hứa Thị Phấn làm chủ đầu tư, từ đó chiếm đoạt 1.038 tỷ đồng gây thiệt hại chi Ngân hàng.

Chi tiết, Hứa Thị Phấn chỉ đạo đầu tư gần 571 tỷ đồng vào Dự án xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Garden II tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do CTCP Phú Mỹ (Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 1.184,785 m2, thời hạn hoạt động 50 năm. Tổng vốn đầu tư 1.681 tỷ đồng, tương đương 82 triệu USD, trong đó vốn thực góp 410 tỷ, tương đương 20 triệu USD (Phú Mỹ góp 30% vốn với 123 tỷ, nhà đầu tư ngoại là Tamouh Investment LLC góp 70% vốn với 287 tỷ đồng).

Sau 3 đợt góp vốn, Trustbank đã hoàn tất rót 571 tỷ đồng vào dự án với cam kết dự án được thực hiện đúng tiến độ. Ngược lại, phía Hứa Thị Phấn liên tục ký sec rút tiền mặt, uỷ quyền cho cá nhân Nguyễn Thị Bích nhận tiền.

Tuy nhiên, theo biên bản làm việc đến cuối tháng 10/2014, kể từ thời điểm UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư dự án đến nay, Công ty Tamouh - Phú Mỹ (liên doanh được thành lập để thực hiện dự án) không hoàn thành hồ sơ thiết kế, lập quy hoạch, đền bù, giải toả theo đúng tiến độ cam kết; không hoàn thành và trình UBND tỉnh thông qua quy hoạch chung của vùng dự án…; thậm chí không thực hiện đền bù cho người dân nên mặt bằng chưa được giải phóng…

Dự án thứ hai – The Star City và Go-Go City tại huyện Nhà Bè, Tp.HCM do CTCP Địa ốc Lam Giang (Công ty của Hứa Thị Phấn) làm chủ đầu tư. Địa ốc Lam Giang có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, đầu tư các dự án gồm: (1) Đầu tư xây dựng Khu nhà ở Tái định cư Lam Giang – tổng nhu cầu vốn 1.137,6 tỷ đồng (40% vốn tự góp, còn lại đi vay); (2) Đầu tư xây dựng Khu nhà Tái định cư Nhơn Đức - Lam Giang (tổng nhu cầu vốn 897 tỷ đồng với vốn tự có khoảng 40%), (3) Go-Go City và (4) The Star City. Tuy nhiên theo Công văn ngày 8/12/2014 của Sở Xây dựng Tp.HCM xác định Sở không có các hồ sơ đề nghị công nhận chủ đầu tư các dự án trên với Công ty Lam Giang.

Về việc rót vốn của Trustbank, đến giữa năm 2013 Ngân hàng đã hoàn tất rót 3 lần vốn với tổng mức 309 tỷ đồng cho dự án Khu nhà ở Phước Lộc – Nhà Bè. Song song, vào tháng 4/2010, Trustbank thống nhất việc đầu tư 11% vốn vào hai dự án The Star City và Go-Go City (đây là hai dự án có sự tham gia của vốn ngoại Malaysia với tổng đầu tư 50%). Tổng vốn đầu tư từ Ngân hàng cho The Star City và Go-Go City hơn 330 tỷ đồng.

Cuối cùng, nhóm Hứa Thị Phấn "rút ruột" Trustbank gần 137 tỷ đồng thông qua đầu tư dự án Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, do Công ty TNHH Phú Mỹ (Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư.

Được biết, Báo cáo đầu tư Dự án Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B được Phú Mỹ lập ngày 30/9/2010, quy mô kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật gần 542 tỷ đồng, được góp bởi vốn tự có doanh nghiệp, vốn vay từ tổ chức tài chính, huy động từ đối tác khách hàng… Phú Mỹ thực hiện kinh doanh cở sở hạ tầng Khu Công nghiệp theo kiểu cuốn chiếu, đền bù giải toả được đến đâu thì xây dựng hạ tầng và cho thuê lại đất đến đó.

Đến đầu năm 2015, Hứa Thị Phấn đã ký tờ trình xác nhận việc chuyển nhượng 90% vốn góp (gồm 70% của Hứa Thị Phấn và 20% của Huỳnh Thị Xuân Dung) tại Công ty Phú Mỹ cho bà Lý Kim Chi.

Tổng quát, căn cứ kết quả điều tra làm việc của Cơ quan CSĐT với Hứa Thị Phấn và các đối tượng liên quan, xác định toàn bộ số tiền 1.038 tỷ đồng nhận từ Trustbank, 3 công ty (CTCP Phú Mỹ, Địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ) thực tế đã không được để đầu tư 4 dự án bất động sản, thay vào đó Hứa Thị Phấn thực hiện rút tiền mặt để sử dụng cá nhân. Cùng với 3.581,72 tỷ đồng dư nợ gốc 29 khoản vay của 25 khách hàng thuộc Nhóm Phú Mỹ đứng tên vay hộ Hứa Thị Phấn tại Trustbank, tổng gần 4.620 tỷ đồng Hứa Thị Phấn đã dùng để (1) mua đất tại Tp.HCM (gần 25ha tại Nhà Bè và 9ha tại quận 2 với tổng số tiền 2.252 tỷ đồng), (2) trả lãi và hỗ trợ Trustbank (2.182 tỷ đồng), (3) mua cổ phần CTCK Đại Việt, Công ty Bảo hiểm Hùng Vương (gần 113 tỷ đồng).

Thiên San

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên