MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt làm gì với 7.000 tỷ đồng sắp phân bổ?

12-06-2018 - 08:27 AM | Xã hội

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh chia sẻ với chúng tôi quanh khoản kinh phí 7.000 tỷ đồng vốn Trái phiếu Chính phủ đang trình QH phê duyệt.

Đường sắt làm gì với 7.000 tỷ đồng sắp phân bổ? - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh

Mục đích cuối cùng là đảm bảo an toàn

Được biết Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua việc cấp 7.000 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 cho đường sắt. Đường sắt sẽ làm gì khoản đầu tư này, thưa ông?

Trước tiên là để phục vụ cho an toàn. Đường sắt Việt Nam quá lạc hậu, nhiều năm không được đầu tư tương xứng nên nhiều hạng mục cầu, hầm, đường suy yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu không cải tạo, nâng cấp kịp thời. Do kinh phí dành cho duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm rất thấp, chỉ khoảng 30% so với yêu cầu, nếu chia số kinh phí đó cho 3.165 km đường sắt trên toàn mạng lưới, cứ khoảng 70 năm mới đi hết một vòng. Rõ ràng không phải công trình nào 70 năm vẫn còn sử dụng được, vì thế nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng, đặc biệt là hầm yếu, cầu yếu, đường yếu. Như đoạn Sài Gòn - Nha Trang, nền đường, ray, tà vẹt rất cũ. Việc cải tạo nâng cấp thực ra là bù lại cho duy tu sửa chữa thường xuyên để cải tạo những hạng mục quá yếu. Cái đích cuối cùng là an toàn.

Tất nhiên, việc nâng cấp cũng nâng cao được năng lực thông qua. Nếu cải tạo được ray, nền đường, đường cong các điểm xung yếu, sẽ cải thiện được tốc độ chạy tàu. Tập trung làm đường gom, rào chắn, để xóa bỏ khoảng 800 lối đi tự mở sẽ vừa đảm bảo an toàn, vừa nâng được tốc độ chạy tàu khu gian. Các hạng mục cải tạo đường ga, kéo dài đường ga, đặt thêm đường sắt trong ga ở một số ga năng lực còn yếu… cũng sẽ góp phần tăng năng lực thông qua. Dự án cải tạo này sẽ đồng nhất được tải trọng toàn tuyến là 4,2 tấn/m. Khi đó, thay vì tàu chỉ kéo được 19 toa thì có thể kéo 25 toa container, nâng cao hiệu quả khai thác vận tải.

Tổng công ty Đường sắt VN sẽ triển khai như thế nào để đảm bảo hiệu quả dự án?

Chúng tôi đang kỳ vọng trong tháng này, Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua. Nếu được bố trí vốn, chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt 4 tiểu dự án thuộc dự án trên để có thể đưa vào khai thác đồng bộ, đảm bảo hiệu quả dự án.

Ngay sau khi được thông qua, chúng tôi sẽ lựa chọn tư vấn, xây dựng dự án, thiết kế… những hạng mục mới. Riêng những hạng mục đã có trong các dự án trước, được phê duyệt rồi nhưng chưa được bố trí vốn, chúng tôi sẽ hoàn tất thủ tục theo quy định mới trước, trong đó có hạng mục cuối năm nay hoặc đầu năm 2019 là thực hiện được như cầu yếu. Khoảng giữa năm 2019 là triển khai thực hiện được các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, có cái khó là phải thực hiện trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, chỉ có thể tranh thủ thời gian giãn cách giữa hai chuyến tàu, phong tỏa khu gian trong thời gian ngắn để thi công. Nếu việc thực hiện các thủ tục, điều kiện thi công thuận lợi, cuối năm 2020 cơ bản có thể hoàn thành các tiểu dự án này.

Đường sắt làm gì với 7.000 tỷ đồng sắp phân bổ? - Ảnh 2.

Theo chiến lược, kế hoạch mà Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030, tổng nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu là 110.000 tỷ đồng (Trong ảnh: Tàu vào ga Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Đầu tư kiểu “liệu cơm gắp mắm”

Như ông đã nói, vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu. Vậy để có thể duy trì tốt trạng thái hạ tầng đường sắt hiện hữu thì cần đầu tư bao nhiêu, thưa ông?

Theo chiến lược, kế hoạch mà Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030, tổng nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu là 110.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 48.000 tỷ đồng và giai đoạn 2020-2030 khoảng 62.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế đường sắt mới được bố trí hơn 1.000 tỷ, trong đó hơn 600 tỷ đồng để trả nợ những dự án cũ đã được phê duyệt, triển khai nhưng lúc đó chưa có vốn.

Còn với nguồn vốn cho duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm để duy trì trạng thái hiện mới đáp ứng được khoảng 30% yêu cầu. Vì vậy, Tổng công ty cũng đã báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý là năm sau sẽ cấp cao hơn năm trước vốn cho duy tu sửa chữa thường xuyên. Ví dụ năm 2017 cấp 2.190 tỷ đồng, năm 2018 cấp 2.500 tỷ đồng và theo nguyên tắc, năm sau cao hơn năm trước để đảm bảo đến năm 2023 sẽ được cấp đủ toàn bộ nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên. Khi được cấp đủ sẽ duy trì được trạng thái ổn định của hạ tầng, không còn tồn tại các hạng mục suy yếu.

Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2023 sẽ được cấp đủ, cùng với nguồn 7.000 tỷ đồng, trạng thái hạ tầng đường sắt sẽ được duy trì ổn định, đảm bảo an toàn. Sau đó sẽ phải tính tiếp xây dựng kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2026. Nguồn lực có hạn, phải “liệu cơm gắp mắm”, vì đâu có đủ 110.000 tỷ đồng theo yêu cầu nên chỉ lựa chọn những gì cấp thiết nhất để thực hiện.

Cảm ơn ông!

Đầu tư 4 dự án lớn

Với 7.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM nhằm mục tiêu nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h.

Để thực hiện mục tiêu này, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất 4 dự án chi tiết, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh có tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; Dự án gia cố hầm yếu kết hợp mở mới 3 ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng.

Với các dự án trên, đường sắt dự kiến nâng cấp cải tạo tuyến khoảng 475km; cải tạo cục bộ bình diện có bán kính đường cong nhỏ: 45 điểm; Mở thêm đường sắt số 3 với 5 ga hiện có 2 đường, kéo dài đường sắt ga đối với 16 ga, mở mới 5 ga; Cải tạo, nâng cấp tải trọng 111 cầu yếu; Cải tạo nâng cấp thay thế 11 hầm yếu. Đặc biệt, xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ khoảng 800 đường dân sinh...

Theo Thanh Thúy (Thực hiện)

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên