MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ESP Capital: Bán lẻ và thanh toán "hút" phần lớn dòng vốn ngoại đầu tư vào các startup Việt

08-09-2019 - 10:27 AM | Doanh nghiệp

Tương tự như năm 2018, nửa đầu năm 2019 ngành Bán lẻ tiếp tục giữ vị trí đầu bảng về lượng vốn đầu tư từ nước ngoài dựa theo số liệu thống kê từ ESP Capital và Cento Ventures – quỹ đầu tư tại Singapore.

ESP Capital vừa công bố bảng báo cáo tổng hợp về tình hình đầu tư khởi nghiệp từ 2017 đối với các ngành nghề tại Việt Nam. Từ bảng khảo sát này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến triển tích cực hơn nữa trong những năm tới.

Nhiều dấu hiệu tích cực về làn sóng đầu tư tư nhân vào Việt Nam tại các lĩnh vực đang là xu thế như Bán lẻ, Thanh toán và chuyển tiền, Công nghệ quảng cáo và tiếp thị, Kinh doanh đa ngành nghề, Các dịch vụ tài chính, Địa ốc, Logistics…Trong đó, 3 ngành hấp dẫn quỹ đầu tư nhất bao gồm: Bán lẻ, Thanh toán và Chuyển tiền, Công nghệ Quảng cáo và Tiếp thị…

Dựa theo số liệu so sánh từ năm 2013 cho đến giữa năm 2019, lĩnh vực Bán lẻ có xu hướng tăng đều qua từng năm và chủ yếu giữ vị trí đầu bảng. Vào năm 2013, startups lĩnh vực này kêu gọi thành công 1 triệu USD, đến năm 2014 là 15 triệu USD, năm 2016 đã tăng lên 18 triệu USD, và đặc biệt là đến 2018 tăng lên vượt bậc với 102 triệu USD, đáng chú ý là chỉ trong nửa đầu năm 2019 các startup ngành này đã kêu gọi thành công 89 triệu USD. Như vậy là trong vòng 5 năm, lĩnh vực Bán lẻ đã kêu gọi thành công tổng cộng 241 triệu USD vốn đầu từ từ nước ngoài.

ESP Capital: Bán lẻ và thanh toán hút phần lớn dòng vốn ngoại đầu tư vào các startup Việt - Ảnh 1.

Bảng kháo sát quỹ đầu tư theo ngành nghề từ năm 2017 đến nửa đầu năm 2019 do ESP Capital và Cento Ventures công bố

Bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, kênh phân phối, văn hóa và thói quen mua sắm của khách hàng đang phát triển nhanh chóng, thu hút được sự chú ý của những ông trùm trong lĩnh vực bán lẻ quốc tế như Emart, AEON, Big C, Lotte và 7-Eleven tham gia vào thị trường Việt Nam qua các hợp đồng nhượng quyền.

Theo sau đó là lĩnh vực Thanh toán và Chuyển tiền tự động, nếu năm 2013 ngành này chỉ kêu gọi được tổng cộng 12 triệu USD vốn đầu tư thì đến năm 2016 là 29 triệu USD. Tuy nhiên đến năm 2017 lại có xu hướng đi xuống chỉ còn 10 triệu USD. Dù vậy, vào năm 2018, các công ty lĩnh vực này kêu gọi thành công tới 100 triệu USD, nửa đầu năm 2019 là 50 triệu USD.

Cũng theo đánh giá từ ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam hiện đang xuất hiện một số xu hướng đầu tư tương tự với các nước Đông Nam Á. Ngành bán lẻ trực tuyến thu hút một phần lớn nguồn vốn tài trợ, trong khi các lĩnh vực đang được xem là xu hướng trong khu vực như Dịch vụ tài chính, Bất động sản và Logistics cũng đang dần phát triển đa dạng hơn tại Việt Nam. Trong tương lai, các lĩnh vực này có khả năng sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư vô cùng mạnh mẽ.

Ngoài ra, các công ty đa ngành nghề cũng đang nở rộ khi các công ty công nghệ trưởng thành và bắt đầu mở rộng hệ thống kinh doanh ra bên ngoài các hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ, từ đó có khả năng sẽ thu hút một phần lớn lượng kinh phí tài trợ trong những năm tới.

Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số khác biệt như ngành Giáo dục vẫn là một trong những ngành nhận được nguồn tài trợ ổn định tại Việt Nam so với các ngành khác như Sức khỏe, Du lịch, Giải trí hoặc Việc làm. Các công ty thanh toán vẫn thu hút phần lớn quỹ đầu tư fintech, đặc biệt là khi Việt Nam xây dựng thành công hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số trong tương lai.

Khánh Hòa

Trở lên trên